Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

TIN BUỒN

 Trung học BMT 68-75 nhận được tin  buồn :

                                                     Thầy TRẦN THẾ VŨ
                                                      Pháp Danh: THIỆN HOÀNG

Sinh năm 1950 đã từ trần vào lúc 17 giờ 35 ngày 20 tháng 9 năm 2016 ( nhằm ngày 20 tháng 8 năm Bính thân), tại tư gia số 7/8 đường Đoàn Thị Điểm , Thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Dak Lak.
Hưởng thọ 67 tuổi
Lễ nhập quan vào lúc 5 giờ sáng ngày 21 tháng 9 năm 2016 .
Lễ di quan vào lúc 6 giờ sáng ngày 24 tháng  9 năm 2016
Linh cữu được hỏa  táng tại đài hóa  thân Thành  Phố Nha Trang Tỉnh Khánh Hòa.
Xin Thành Kính Phân Ưu cùng Gia đình Thầy,  nguyện Cầu hương hồn Thầy nhẹ nhàng siêu thoát, an vui mãi mãi nơi  cõi Vĩnh Hằng.




Các bạn cựu học sinh Trung Học Tổng hợp 68-75 tại BMT kính  viếng Thầy
( có thầy Bùi Tiến, Anh Sơn (66-73), Anh Tín ( cùng lớp với Thầy, THBMT )





  Thầy Bùi Tiến ( ngoài cùng tay phải )


Ngày 21/6/2016

 Cô ( vợ của Thầy Vũ ) và  các bạn Bạch Trầm , Tuyết Mai, Di Phương , Huỳnh Thị Tám
Từ Sài Gòn và Nha Trang lên viếng thầy  sáng ngày 23/9/2016

Thắp Hương cho thầy
  Bên Linh cữu Thầy

Nhóm ở xa về cùng với các bạn ở BMT

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

TIN THÁNG CHÍN

Tháng 9 về có một tin  vui và một tin  không vui, xin thông báo cho các bạn tin không vui trước
   
    Ban Liên Lạc 68-75 tại BMT vừa qua có liên lạc với gia đình Thầy Trần Thế Vũ, được biết hiện Thầy đang điều trị tại Bệnh Viện Tỉnh Dak Lak, phòng Cấp Cứu Hồi Sức. Tình trạng của Thầy không cho phép tụi mình thăm hỏi trực tiếp , vì Thầy đang được  điều trị đặc biệt ,  Thầy vừa phải chạy  thận một tuần ba lần , vừa phải tháo khớp gối một chân vì biến chứng căn bệnh tiểu đường.Tụi mình cũng rất buồn vì bệnh của Thầy nặng hơn so với ba tháng trước , lúc BLL đến thăm thầy vào tháng sáu. Mong Thầy sẽ khỏe mạnh lại và vượt qua được căn bệnh hiễm nghèo.

  Còn tin vui là Thầy Nguyễn Đình Liễn, sau cơn bệnh cách đây một năm hiện giờ thầy đã  khỏe mạnh lại , tinh  thần  Thầy minh mẫn và  sáng suốt.  Dù  tuổi đã trên 80 Thầy vượt đường xa  ngàn dặm  vê thăm quê hương. Được gặp Thầy trong buổi họp mặt nhỏ ở nhà bạn Trần văn Tam, Thầy trò vui vẻ nhắc lại những kỷ niệm xưa,. sau đây  là những hình ảnh mình ghi lại trong buổi gặp mặt, vào tối ngày 16/9/2016.

Thầy và các bạn Trần văn Tam, Đổ tự Nam, Ngô thị Bình và Phạm Thị Thanh
Thầy và bạn Phạm thị Thanh
 Thầy và bạn Đỗ Tự Nam
 Có thêm chủ nhà Trần văn Tam
 Thầy và các bạn nam, thêm Phong, Xuân Linh, Trọng 
Bạn Nguyễn thị Loan đại diện tặng hoa mừng  Thầy sức khỏe
Có cả hoa cho nữ chủ nhân
Đại diện BLL :  bạn Nguyễn Quốc Việt.
 Vợ chồng Tam  Nghiệp , Loan và Thầy
 Thầy vui  vẻ và đẹp lão các bạn nhỉ
Có thêm bạn Lộc
 Có thêm bạn Phú Đức
Có thêm bạn Phan Hữu Vinh
Chều BMT, có chút mưa trời tối các bạn cố gắng nhìn nha, hi hi.

 C.T.V
    

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

TIN SINH HOẠT THÁNG TÁM


Tin 1:   Ban Liên lạc trung học BMT 68-75 có nhận được sự đóng góp cho Quỹ sinh hoạt chung của Khối, từ Thầy Cao Bính, 100 USD, và bạn Bùi Trung Anh 5.000.000 Đồng
Xin chân thành cám ơn Thầy và bạn Bùi Trung Anh.
 Mọi sự đóng góp xin các bạn  liên lạc với bạn  Nguyễn quốc Việt (Trưởng ban ), bạn Ngô thị Bình ( Thủ Quỹ ).

 Tin 2:  Cập nhật danh sách hổ trợ gia đình bạn Vũ Thị Loan  đợt 2
   Trần văn Tam    1.000.000  Đồng
   Trần thị Nhẫn       500.000
   Nguyễn thị Ngà 1.000.000
   Phạm thị Thanh     200.000
   Ban Liên Lạc        400.000
Anh Vân Sơn Bùi     500.000 ( Cựu học sinh trường Bồ Đề )
Chị của bạn Kim Thủy 100 USD
Tổng cộng số tiền đóng góp hổ trợ cho anh chị Tuấn Loan đợt 2 tính đến ngày 30/8/2016 là 3.600.000 đồng và 100 USD.
Thay mặt gia đình bạn xin gởi lời cám ơn đến các bạn gần xa đã quan tâm và chia sẻ trong lúc hoạn nạn.

Tin  3: Trong tháng 8 lớp A1cũng có tổ chức một ngày gặp nhau tại Hòa Thắng Buôn  Ma Thuột, xem như thêm một ngày họp mặt mùa hè trong khi chờ đợi  ngày  hội ngộ toàn cấp vào Mùa Xuân.. Xin chia sẻ với các bạn hình ảnh ngày họp mặt  21/8/2016 :

Nhóm nữ A1và bạn Công Thảo
Các bạn nam 

Tươi vui ngày gặp nhau 

Bạn Nguyễn văn Việt bị tai biến,
hiện đang điều trị bênh ở tại nhà Xã Đồng Tâm cũng cố  gắng có mặt

Ba bạn Kim Thủy, Huỳnh thị Tám, và  Bích Tuyền từ Sài Gòn về 

Toàn nhóm nam nữ chụp kỷ niệm hè 2016
, Võ Thuyền từ sài Gòn, Công Thảo từ Bình Phước. 

Tin : C.T.V
Hình ảnh : Thủy Kim 
  


Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

ĐỒI HÒA BÌNH- Một kỷ niệm cũ

Cũ thật là cũ vì nó đã xảy ra đến hơn bốn mươi năm rồi. Bốn mươi năm là một quãng thời gian dài, đến hơn một nửa đời người. Lúc còn nhỏ thì tưởng tượng không ra còn khi lớn lên rồi, ngoái đầu nhìn lại cũng ớn lạnh, không hiểu ngày tháng đã trôi đi tự lúc nào.
    Ngày ấy mình và các bạn còn là những thanh thiếu niên, chưa qua khỏi cấp trung học, hồn nhiên, vui vẻ và tràn sức sống. Dư tràn đến nỗi trong một chuyến dã ngoại tụi mình nhìn thấy ngọn đồi. Không dự tính trước, cao hứng băng băng leo lên đến đỉnh đồi , xem như thành tích ấy từ đó chưa bao giờ lập lại, còn chưa phá kỷ lục của chính mình.
    Đó là một ngày mùa hè năm xưa, những ngày hè của đám con nít thời chiến tranh, ở một vùng cao chiến sự như Ban Mê Thuột. Ba mẹ tụi mình đa số đều còn trẻ, nghèo và đông con. Hè chỉ là nghỉ ở nhà, đi học hè, được đi chơi loanh quoanh thị xã là vui lắm rồi. làm gì có Đà Lạt, Phú Quốc Mũi Né  hay Vin Pearl.
    Không đi xa thì đi gần, ngày hè tụi mình réo nhau đi những điểm gần gần thị xã, Châu Sơn, Đạt Lý, Chi Lăng nhưng nhiều nhất là đi Hòa Bình ở đây tụi mình có nhiều bạn học, lớp trưởng của tụi mình  cũng ở đây. Hòa Bình chỉ cách thị xã chừng mươi cây, đứa nào có Honda Dame hay 67 thì tốt còn lại đạp xe đạp cọc cạch cũng vẫn vui. Hồ Trung Tâm cũng gần đó, lang thang qua mấy vườn cà phê hay cây ăn trái xong là quẹo sang hồ Trung Tâm ngồi hát hò.
    Ngày đẹp trời hôm đó có một anh chàng cũng trạc bằng tụi mình, nhà chàng có xe cần cẩu chở gỗ. Bây giờ mình không còn nhìn thấy những chiếc xe như vậy, xe cần cẩu chỉ chuyên chở gỗ và đi rừng, gầm cao, dàn bánh xe to đùng, lòng thòng dây cáp để cột các xúc gỗ lớn. Anh chàng lấy trộm cái xe của gia đình chạy lông nhông vì không biết đi đâu, còn tụi mình thì biết chỗ đi mà không có xe. Vậy là hồn nhiên leo lên xe, con trai con gái gì cũng đứng trên những thanh sắt làm sườn xe , tay bám vào mấy sợi dây cáp. Xe chở cây thì làm gì có sàn , lúc xe chạy mình nhìn xuống thấy mấy cái bánh xe quay vòng và mặt đường loang loáng dưới  chân. Thật là nguy hiểm nếu… nhưng tụi mình thì làm gì có chữ nếu, vui tươi và ngốc nghếch, hi hi.
      Trên đường đi ngang cây số Năm,  còn dừng lại đón thêm hai bạn. Xe chạy ngang nhà bạn,  gọi í ới đi không, đi không? Bạn mình trố  mắt ngạc nghiên thấy mấy chục đứa đeo trên chiếc xe cần cẩu trần trụi. Hắn vui vẻ đi chứ, đi chứ rồi  nhảy tót lên xe, tuổi trẻ  vô tư làm sao. Đến Hòa Bình  có sẵn một đám bạn  đang chờ, lớp trưởng mình là tên đầu trò kiêm thổ địa ở đây. Hắn dắt cả lớp đi lòng vòng rồi đến một ngôi chùa nhỏ ở dưới chân đồi. Trời bỗng dưng đổ mưa, lúc đứng trú trong Chùa cả đám nói với nhau, hết mưa rồi tụi mình sẽ leo lên cái đồi này. Trời mùa hè ở cao nguyên bao nhiêu năm nay cũng vậy, mưa đó nắng đó, mưa xong nắng bừng lên, sáng rực rỡ. Chuyến leo đồi bắt đầu.
     Mới mưa xong nên đất còn sũng nước, ban  đầu còn có một lối đi nhỏ như đường mòn, dần dần không còn lối đi nữa, bít bùng là cây cao cây thấp, đoạn nào dốc khó đi, một bạn nam leo lên cao kéo những bạn nữ lên. Để giảm tải cho ban ẩm thực, khẩu phần ăn trưa được chia ra phần ai nấy giữ, mỗi đứa bẻ một nhánh cây làm gậy . Đến một đoạn không còn đường đi nữa mà chỉ thấy một cây gỗ lớn dài  mươi mét, không biết nó tự đổ hay người ta hạ xuống để làm lối đi cho dễ. Lớp trưởng mình căn dặn  “ các bạn nhớ đi trên cây, không ai được đi ra ngoài nhe. Các bạn nghe lời răm rắp, riêng mình vì tò mò , lấy cái cây vạch đám lá um tùm ra mới hết hồn khi thấy dưới chân sâu thẵm, ôi thì ra tụi mình đang đi ngang một cái vực, mà cái cây này người ta bắc ngang qua. Sợ độ cao nên tim mình hơi thót lại, nhưng mình cũng đủ khôn để im lặng, la lên các bạn nữ không dám đi. Qua hết đoạn đó mình khều nhỏ bạn thân : hồi nãy là mình đi ngang cái hố đó – thiệt hông? thấy cây cỏ lùm xùm tưởng đất chứ - tao vạch cây ra thấy sâu thăm thẳm mà - vậy hả , hèn gì tụi nó cứ dặn phải đi trên cái cây, không được đi ra ngoài, ôi sợ quá hu hu...
     Leo đồi mà tụi mình dứa mang dép đứa mang xăng đan đứa mang guốc. Một hồi đất đỏ dẻo nhẹo bám vào dép một lớp, tụi mình phải tháo hết giày dép đi chân đất, vừa leo đồi mà tay còn xách dép. Hai bạn nam khỏe mạnh nhất lấy cái cây xỏ hết giầy dép khiêng đi sau. Cuối cùng tụi mình cũng lên đến đỉnh đồi, bạn lớp trưởng tuyên bố : thông báo nè , lớp mình đã leo lên được nhánh cao nhất và khó đi nhất ở đây – Ô , Ô, Ô, hú, hú, u…u…u…Các bạn nam bụm tay làm loa hú vang dội , làm như là leo đỉnh Everest không bằng.
    Đoạn đường xuống còn khó đi hơn. Vì trơn trợt , nhiều đoạn giống  như là phải bò. Chẳng còn đứa nào yểu điệu thục nữ nữa, chân đi đất , mặt mũi áo quần bê bết bùn đất  Xuống đến chân đồi cũng chưa xong, từ đó vào làng còn mấy cây số nữa. Lúc này đoàn quân lếch thếch kéo nhau đi trên con đường đất đỏ,  hai bên là vườn cây cà phê có hàng rào cao hơn đầu người.  Tụi mình nhìn qua lớp hàng rào thấy có một ngôi nhà tranh nhỏ. Các bạn gọi to để xin nước uống, gọi mãi không thấy ai, nên  quyết định leo vào. Theo các bạn tính thì đi tắt ngang cái rẫy này sẽ ngắn hơn  một đoạn đường. Tụi mình đang hối hả quay về vì anh chàng xe cần câu phải đem xe về. Mấy bạn nam leo vào trước , một bạn đứng ngoài rào, một bạn đứng trong để đỡ các bạn nữ leo vào. Tới mình là đứa cuối, sợ độ cao, nhút nhát, vừa nhỏ vừa ốm nhách. Mình leo lên tuột xuống mấy lần, có bạn nam nào nói : thôi ai không leo được thì đi đường ngoài đi. Nhỏ bạn thân của mình đứng trong rào nóng ruột : trời ơi sao ai leo cũng được mà tới mày lại trục trặc vậy. Lần cuối mình cố hết sức còn bạn nam thì gần như nhấc mình lên quăng qua cái hàng rào, may mà mình chỉ nhỉn hơn ba chục ký một chút thôi. Vào trong rồi mình lùng bùng với nhỏ bạn : làm gì mày nhăn tao dữ vậy – Tại tao thấy mấy đứa tính để mày đi đường ngoài. - ờ mà đứa nào đòi bỏ tao lại  dậy – Thằng … mà  thôi,  nó nói vậy để mày mới cố hết sức chứ  - ờ hé, nhờ tức nó mà tao leo vô được
    Rồi mình quên ngay , không còn giận cái thằng dọa bỏ mình lại , con nít mà. Nhìn trong nhà chòi không có ai hết, có lẽ họ chỉ để coi rẫy , mùa này cà phê chưa chín nên nhà để không. Nhưng mình vẫn sợ, Hòa Bình là làng người Mường mà, lúc còn nhỏ đám bạn nhóc của mình hay dọa nhau , người Mường có nuôi ma xó trong nhà để giữ nhà. Chẳng biết nhà đó có ma xó không nhưng tụi mình lúc đó cũng giống ma lắm , vừa lấm lem vừa khát nước , chắc ma cũng thương tình.
     Về  làng tới chỗ hẹn, thấy mặt mày tụi mình lấm láp quá,  anh chàng lái xe hứa chở tụi mình ra Hồ Trung Tâm để tắm rửa. Đến nơi,  cả đám leo xuống đứa này khoát nước cho đứa kia rửa mặt mũi tay chân trước khi về trình diện phụ huynh. Trong lúc các bạn còn đang sửa soạn lại dung nhan, mình đứng trên bờ ngắm hồ Trung Tâm vào một buổi chiều  kỷ niệm. Đối với mình lúc đó là một phong cảnh quá mênh mông và quá đẹp,  có thể vì mình còn nhỏ, thấy cái gì cũng lớn, cũng đẹp. Nhìn mặt hồ lấp lánh ánh nắng hoàng hôn, những đàn chim bay liệng trên mặt nước, những nhánh cây đổ nghiêng trên hồ, lá xanh  rũ lòa xòa ven hồ. Cũng có thể vì lòng mình đang reo vui, khi ngắm các bạn gái vốc nước vuốt lại mái tóc dài , ngắm các bạn trai leo ra những thân cây đổ, ngồi vắt vẻo giữa lòng  hồ,  một bạn nam khác ngồi ôm đàn hát một bài  quen thuộc, đối với mình đó là  một khung cảnh tuyệt đẹp. Đang mơ mộng, có đứa nào gọi tên mình : lẹ lên mày còn ngắm nghía gì nữa,  đến giờ về rồi...Sợ bọn nó kêu chậm chạp,  mình vội vàng leo lên xe.
      Chiếc xe cần câu lại băng rừng cao su đưa tụi mình về lại phố Ban Mê…chiều tối…

Ngày trở lại
    Bây giờ, mấy chục năm sau, tụi mình gặp lại nhau, bạn lớp trưởng vẫn còn làm lớp trưởng. mỗi năm mình và các bạn còn ở BMT lại kéo nhau vào Hòa Bình để họp mặt. Một lần tụi mình rủ nhau thăm lại hồ Trung Tâm. Mấy chiếc xe nối nhau chạy  theo xe bạn dẫn đường. Bây giờ  Hòa Bình gọi là  xã Hòa Thắng,  bây giờ  người đông đúc, nhà cửa nhiều hơn xưa, con đường đất đỏ đã thay bằng con đường bê tông. Bây giờ chỉ còn một nhóm nhỏ thôi, đa số các bạn ở xa, và mình vẫn là đứa chậm chạp nhất. Mình chạy xe sau cùng và đi lạc, các bạn đến hồ lúc lâu không thấy mình, một bạn phải quay lại tìm. Tình cờ tụi mình hôm ấy cũng đi vào buổi chiều, hồ Trung Tâm  giờ so với trí nhớ của mình nhỏ hơn ngày xưa, cái trí nhớ của đứa bé mười mấy tuổi mà. Nhưng cũng có thể nhỏ hơn thật, vì người ta  lấn ra mặt hồ.  Nhà cửa chung quanh nhiều, có cả quán  xá, cà phê,  hồ câu cá.  Có một con đường nhỏ chạy ven hồ, tụi mình đứng trên con đường nhìn xuống mặt nước yên tĩnh,  cũng trong buổi chiều mùa hè, như mùa hè năm cũ.
     Còn đồi Hòa Bình mình cũng có một lần quay lại, mới đây thôi. Khi mình có dịp cùng đi với người bạn già của mình. Tụi mình chạy dọc theo một con đường sắp mở, con đường trong  một dự án và không biết khi nào hoàn thành. Hỏi thăm người dân ở dọc đường  mới biết đây là một Buôn làng dân tộc thuộc xã Hòa Thắng. Chạy một đoạn nữa,  ngọn đồi phủ cây xanh chợt  hiện ra trước mắt mình, không cần hỏi ai nữa mình cũng biết đó là đồi Hòa Bình. Hơn bốn mươi năm mình mới quay lại nơi đây, cũng tình cờ thôi , mình không dự định trước. Dưới chân đồi thấp thoáng  những mái nhà  tôn , không biết có phải đó là mái của ngôi chùa nhỏ ngày xưa. Bao nhiêu kỷ niệm như sống lại, trong đám xuân xanh ngày ấy, có nhiều bạn giờ ở  tận phương trời xa xôi, có còn nhớ ngọn đồi ngày xưa không nhỉ. Có nhiều bạn đã  ra đi mãi mãi , rũ nợ trần ai, hồn bay  nhẹ tênh như đám mây trắng bồng bềnh trôi trên cao kia . Chỉ có  mình  giờ đây quay lại , sau bao nhiêu  năm,  mình vẫn là người chậm chạp nhất. 
Không biết là  hạnh phúc hơn hay bất hạnh hơn, cũng không biết nữa...?
 
                                  ĐỒI HÒA BÌNH                                        

                                    Có phải con đường ngày xưa                                                                

 HỒ TRUNG TÂM

Mái tóc xanh giờ đã hai màu.
  
                                                                LÊ KHUYÊN
                                                                     Mùa hè năm 2016 








Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

TIN THÁNG SÁU - BẢY

    Tháng sáu vừa rồi , thay mặt các bạn , Ban Liên Lạc tại Ban Mê Thuột có đến thăm thầy Trần Thế Vũ tại Bệnh viện Tỉnh Daklak. Đã từ mấy năm nay Thầy phải chạy thận một tuần hai lần, bây giờ Thầy mình còn thêm căn bệnh tiểu đường nặng, vừa rồi Thầy phải nhập viện phòng cấp cứu, chấn thương chỉnh hình bệnh viện Tỉnh Daklak. Các bạn biết tình trạng những phòng cấp cứu rồi, rất đông bệnh nhân và ngột ngạt lắm, vậy mà thầy của tụi mình phải nằm ở đó kéo dài cả tháng. Hiện nay Thầy đã xuất viện về nhà, nghe thầy về nhà tụi mình cũng nhẹ cả lòng, các bạn ở BMT và ở xa nếu có về muốn thăm thầy thì đến nhà thầy ở cuối đường Y Jut. Tuy nhiều bệnh nhưng thầy rất mạnh mẻ, thêm sự chăm sóc của cô và con trai thầy, tụi mình rất cảm phục sự kiên trì chống chọi với bệnh tật của thầy. Đó cũng là một tấm gương giữa cuộc sống để tụi mình noi theo. Cầu chúc thầy được khỏe mạnh và vẫn góp mặt với chúng em trong những sinh hoạt họp mặt, mà thầy đã song hành với khối 68-75 suốt bao năm nay.

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

TIN VUI


     Trung Học BMT 68-75 nhận được tin vui từ gia đình bạn TRỊNH THỊ LÝ và anh TÔN THẤT TÍN, báo tin tổ chức  lễ Tân  hôn cho :

                     Trưởng Nam  TÔN THẤT PHONG  và Cô dâu  NGUYỄN NGỌC HÀ

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

VỀ NƠI CỔ TÍCH



    Có một ngày nắng đẹp giữa mùa  mưa tháng sáu trên cao nguyên, đó là ngày một nhóm nhỏ các bạn lớp 68-75,  đã về thăm một khung trời cổ tích giữa lòng Thành Phố Ban Mê. Buổi sáng mới bảy giờ mà nắng đã thật rực rỡ , buổi sáng ở một thành phố nhỏ, có chút bình yên qua những con đường cây xanh thẳng tắp , lưa thưa một chút xe cộ, một chút người qua lại. Những cuộc điện thoai bay qua bay lại, Hôm nay có Thầy Nguyễn Giõng từ Úc về, các bạn cố gắng đến nhé. Chút xíu thôi các bạn đã đầy đủ, chỉ còn chờ Thầy thôi, địa điểm là Hội Quán Ban Mê  trên đường Mai Hắc Đế.

Tin vui từ bạn Trần Thị Hoa và Phạm Hoàng Tuấn

Trunghocbmt68-75 cùng lúc được 2 tin vui từ bạn Trần Thị Hoa sẽ tổ chức vu qui cho con gái  Nguyễn Nhật Linh  và  chú rể Đặng Trung Hiếu

Bạn Hoàng Tuấn làm lễ thành hôn cho con trai Phạm Nguyễn Thiện Thành và cô dâu Lê Phạm Trúc Quỳnh.
Xin chúc mừng các cháu và chia sẻ niềm vui của 2 gia đình bạn

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

NHỚ NHỮNG MÙA THI


"Tuổi già thường ngủ ít, mơ nhiều. Lẫn trong giấc mơ lạ kì, cũng có khi mơ về những ngày còn đi học, mơ thi rớt, mơ bị thầy cô bắt quả tang đang quay phim...Tỉnh dậy, toát mồ hôi, mà vui vì chỉ là cơn mơ thoáng qua" BBT.


    Tháng năm, những con đường cao nguyên thắm màu phượng vĩ. Ai có về Ban Mê mùa hè , ngang qua những ngôi trường nhỏ, cổng đã khép, trong sân trường im vắng những cây phượng già đỏ hoa rực rỡ. Màu đỏ là màu của niềm vui, của yêu thương, nhưng màu đỏ của hoa Phượng sao như màu đợi chờ. 
Mấy tháng hè, lớp học im lìm, trong sân trường cây phượng đứng buồn hiu như nhớ đám học trò nghịch ngợm, đứa lên rừng, đứa xuống biển, đứa cặm cụi ôm đống sách vở chờ ngày thi. Phượng cứ rực rỡ một màu đợi chờ. Rồi mùa hè đi qua, khi những trái xanh bắt đầu treo mình trong gió, lá lúc đám học sinh quay trở lại trường. Bao năm qua vẫn như thế, hoa phượng như gắn liền với một đời học trò.
      Sáu mươi tuổi rồi, vậy mà cứ mỗi hè về, thấy phượng bắt đầu trổ hoa, những trái tim già vẫn chút gì xao xuyến nhớ tháng ngày làm học trò, có hơi gắn ngủi so với một cuộc đời dài, nhưng sao thương nhớ mãi. Cái gì đã đi qua rồi, khi nhìn lại cảm thấy cũng nhẹ nhàng hơn. Qua đời học sinh nhớ lại là nhớ những kỷ niệm vui trước, ký ức con người vốn như thế mà. Những kỷ niệm buồn nhớ sau, những lần thi rớt, những lúc bạn bè giận nhau, những mối tình đơn phương, chuyện gì buồn như tự đi xa , chỉ còn đọng lại những niềm vui. Mà đâu chỉ quãng đời thư sinh, trong những đoạn đường khác cũng vậy, những nhọc nhằn , những vấp ngã, những chuyện buồn, lúc qua rồi nghĩ lại thấy cũng vui vui.
     Nhớ là nhớ những giờ ra chơi sân trường ngập màu áo xanh, tíu ta tíu tít nhóm này nhóm nọ. Nhớ những ngày rủ nhau picnic leo đồi, lội suối, nhớ những đêm hội xuân hát hò ầm ỉ bên đống lửa trại bập bùng,  nhớ những giờ học bất ngờ được nghỉ lang thang qua những con đường nhỏ sau trường. Thật sự lại ít nhớ đến những giờ học căng thẳng, những kỳ thi toát mồ hôi, những lần cắn bút đến muốn khóc trước bài tập khó,  những đêm trắng ôn bài chuẩn bị thi, giống như chuẩn bị ra pháp trường vậy, hi hi. 
Kỷ niệm làm sao quên được, vẫn rất nhớ ấy chứ,  nhưng mới thoáng qua thôi đã tự bảo mình, thôi nhớ làm chi chuyện thi cử, nào phách, nào đề, nào giám khảo, giám thị, nào quay cóp, nào phạm quy. Chỉ nhớ lại thôi, mà đã thấy mệt bở hơi, lạnh khắp cả người.
     Làm sĩ tử thời nào chẳng khổ, từ Bảng Vàng bia đá Quốc tử giám đến Trần tế Xương, “ học đã sôi cơm nhưng chửa chín, thi không ăn ớt thế mà cay “ Đến  tụi mình, mùa thi hay ngâm nga bài hát “ thi ơi là thi, sinh mi làm chi...buồn vui vì mi…“ Qua thời của tụi mình rồi, đến con cái, bây giờ là cháu. Thi vào trường, thi ra trường, thi tốt nghiệp, thi học kỳ, thi tháng, thi kỳ... hic,  đời học sinh là đánh vật với những kỳ thi. Mấy đứa cháu của mình, ở nơi thật xa, giờ vẫn đang theo đuổi những kỳ thi…thực cũng không dễ dàng gì, đời học hành của mình ngắn ngủi, đành gởi gấm vào thế hệ phía sau.
       Nhưng cuộc sống cứ là như vậy mà, những thế hệ học trò nối tiếp nhau,  ngày tháng trôi đi, mùa Đông, mùa Thu, mùa Xuân, mùa Hạ.... Ban Mê hè về hoa phượng nở rực trên những con đường quê. Những bông hoa của thời học trò đỏ chấp chới trong nắng , không dưng nhớ lại những mùa hè của một thời thơ ấu, những mùa hè gắn liền với những kỳ thi cử.  Không dưng cười một mình , lòng chợt thấy dịu dàng. Những mùa thi qua rồi, cám ơn ba mẹ đã cho con được đến trường, được nếm trải những khoảnh khắc buồn vui đời học trò, cám ơn thầy cô đã dạy dỗ và đã nghiêm khắc trong những kỳ thi, làm hành trang cho em mang theo vào đời, cám ơn bạn bè đã song hành cùng ta qua những ngày vui, những ngày buồn....
      Tháng năm, hè về  mình nhớ những mùa thi cũ, nhớ bài hát tụi mình hay ngâm nga trước những ngày thi căng thẳng, bài " Mùa thi"  của nhạc sỉ Đỗ kim Bảng :
“ Hôm nay ngày thi, bao nhiêu người đi ….
   Thi ơi là thi, sinh mi làm chi, buồn vui vì mi…..
  Hôm nay còn thi, mai kia còn thi, ôi đời đời, khóc cùng cười , hòa theo mùa thi…”

                                                                      C.T.V
    

                                                    Đường vào làng Thái Cầu 14 mùa Hè


                                             Cây Phượng trong sân trường cấp 3 Chu Văn An


                                        Cây Phượng trong sân trường cấp 2 Trần hưng Đạo