(Đọc bài này, nhớ trường xưa và Ban Mê yêu dấu)
Thái Thanh Thuận
Trên chuyến phi cơ trở lại Banmethuot theo lời mời các em học sinh lớp 9 NK 74-75, tôi gặp Thầy Võ Quý Sỹ. Tôi bước sau Thầy đến cổng số 6 chuẩn bị lên phi cơ. Dáng Thầy thấp, nhỏ, chậm rãi, hơi buồn với chiếc áo khoác và ba lô trên vai, thoáng nhìn là tôi biết ngay. Khi ngồi xuồng ghế kế bên, tôi nhẹ nhàng hỏi, Thầy có nhớ tôi không? Hỏi vậy thôi, chớ tôi biết chắc Thầy không nhớ đâu, vì thời gian không gặp Thầy khá lâu từ hè năm 1974. Thầy Võ Quý Sỹ rất tốt, con người điềm đạm nhưng khó tính, trật chút là không được. Tôi có chụp tấm hình với Thầy để làm kỷ niệm ngày gặp lại. Xin chúc Thầy và gia đình khỏe.
Chiều 10/3, trời Banmethuot trở lạnh, ngồi sau xe Honda, em học sinh còn biết tôi đang run. Cái lạnh se sắt ngày nào của Tây nguyên, cách đây 45 năm tôi không bao giờ quên. Sau khi vào khách sạn trên đường Lê Hồng Phong, mặc vội chiếc áo vest tôi tản bộ đến trường Trung học TH ngày xưa. tần ngần trước cổng trường, nơi tôi gặp Thầy Tùng với bộ đồ ký giả 3 túi chiều ngày mồng 9 tết năm 1974. Tôi nhớ dãy tầng trệt phía tay trái ngày xưa là dãy học sinh lớp 8, đối diện cũng là dãy các em lớp 8 nhưng là người dân tộc. Cuối dãy, gần phòng hiệu trưởng là phòng Doanh Thương, tôi dạy các em học sinh lớp 9 môn đánh máy. Còn nhớ, ngay khi đến Banmethuot, tôi có liên hệ với Bưu điện và Ngân hàng xin một số tài liệu để dạy các em. “Học ăn, học nói, học gói, học mở” mà, gì cũng phải học. Tôi dạy cho các em viết từng cái bao thư, chỗ nào dán tem, chỗ nào ghi địa chỉ người nhận và người gửi. Làm thế nào để gửi và nhận một bưu phẩm. Các em còn phải đọc được bức điện tín, biết cách gửi và nhận một bưu phiếu. Lúc bấy giờ còn có cách gửi tiền bằng điện phiếu cho người ở xa. Bằng cách nầy mình nhận tiền nhanh hơn là bưu phiếu. Các em còn được học cách lập bảng chi tiêu cá nhân cho đến bảng chi tiêu trong gia đình. Ngoài ra, các em còn biết khái niệm sơ qua về các dịch vụ ngân hàng.
Ngày xưa, văn phòng hội đồng GS trường còn có bàn pingpong, thi thoảng tôi và các anh em đồng nghiệp thường hay chơi trong giờ giải lao. Vào ngày nghỉ tôi và Thầy vui (Thầy Vui dạy Pháp văn) thường hay chơi pingpong. Từ nhà đến ngã tư Tôn Thất Thuyết và Quang Trung thì phải (nơi có đồn cảnh sát) quẹo phải thì đến nơi. Chỗ đặt bàn pingpong rộng rãi và rất thoải mái. Rảnh rỗi, thỉnh thoảng tôi, anh Ngân, anh Tài, anh Vũ cũng thường hay chơi bi-da.
Đầu năm học 73-74, khi bước chân vào lớp học, các em, mặt non choẹt, ngạc nhiên, tròn xoe mắt nai nhìn tôi. Trong lớp, khi giảng bài, tôi hay rầy la, thậm chí hay ký đầu nhất là đối với các em trai làm mất trật tự lớp. Giờ cho kẹo, cũng hổng dám. Các em nay đã trở thành ông bà. Ngày xưa các em như chim non, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Giờ hóa thân Hoàng hạc bay mãi.
Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ
Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,
Trong mênh mông chiều sương
Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ rơi.
Xin mượn mấy câu trong bài Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển để nói lên tâm trạng của mình và của các em học sinh. Thầy Vũ Đức Sao Biển là cựu giáo sư Trường Trung học Công lập Bạc Liêu. Thầy công tác tại trường từ năm 1970 cho đến khi giải phóng. Ngay từ những năm này chúng tôi đã thuộc ca từ của bài hát và hát suốt, chỉ có điều là không biết tên bài hát thôi. Sau nầy khi bài hát ra đời, một số ít đĩa hát giới thiệu bài hát là “Thu, hát cho người”, tôi thấy cụm từ không hay bằng “Thu hát cho người” (không có dấu phẩy mới hay) và sau này thì đúng là được chỉnh lại “Thu hát cho người”. Mùa thu hát cho người thì không có ngăn cách, cho dù đó chỉ là dấu phẩy. Có phải không các bạn?
Trước tết Mâu Tuất, Thầy Bùi Thế Vĩnh có ghé nhà thăm, Thầy có nhắc đến người bạn ngày xưa ở Trường TH Tổng hợp Nguyễn Trung Trực Kiên Giang, khi về Saigon tập huấn môn Khải đạo (không phải là khai đao đâu nghe). Thầy đó tên là Phan Thanh Sử, Hiệu phó của Trường, hiện nay đang định cư ở nước ngoài. Ngày xưa, ngành tổng hợp có bộ môn Hướng dẫn Khải đạo. Các trường Trung học tổng hợp đều có phòng Khải Đạo. Khải đạo là khai đường. Nhân đây xin gửi lời thăm Thầy Vĩnh và gia đình khỏe. Chúc Cô Minh Hưng sáng tác nhiều tập thơ mới.
Nhắc mới nhớ, năm 1974 khi về Kiên Giang, tôi ở chung nhà với anh Ung Văn Bút (học chung khóa với anh Đinh Ngân) trước tôi 1 khóa. Tối đến 2 anh em đi ăn chè ở quán ‘Thuyền ra cửa biển’. Từ đó, nhìn ra vịnh Kiên Giang, trong bóng đêm hàng ngàn ngọn đèn của các tàu đánh cá đang lấp lánh trong biển khơi, đẹp không thể tả. Sau này, gặp lại anh trong tiệc cưới con gái, anh cho biết có dự định xin vế Banmethuot NK 75-76. Riêng tôi, tôi có đư định xin chuyền về Trường Tuy Hòa, Phú Yên. Nhưng trong bảng nhu cầu có Kiên Giang, gần hơn. Anh Bùi Tiến có nói với tôi, anh dư định chuyển về Đà lạt vì quê anh ở đây. Đà Lạt rất gần BanMethuot, nếu đi phi cơ chỉ độ 10 hoặc 15 phút là tới. Lúc nầy còn độc thân mà, muốn đi đâu cũng dễ, không phải vướng bận gì. Nghe nói tôi quê Bạc Liêu, anh Quốc Hùng hỏi có biết anh Quý không, tôi nói biết. Anh Quý hoc Quốc gia Hành chánh và chuyển về quê công tác. Tôi cũng có biết một anh cùng quê học Quốc gia Hành chánh và công tác tai Tòa hành chính tỉnh Darlac lúc bấy giờ, tôi có gặp anh một lần tại bến xe Banmethuot, nhưng quên tên, sau đó không gặp lại anh nữa. Hiện nay anh định cư ở nước ngoài.
Bac Liêu, cũng có biển, tỉnh duyên hải mà. Từ trung tâm TP Bâc Liêu phải đi 7 cây số mới đến biển. Còn Kiên Giang, các bạn sẽ thấy biển ngay trong lòng TP Rach Giá. Nói đến Bạc Liêu, là nhớ Công tử Bạc Liêu. Nhưng Bạc Liêu là tỉnh nghèo các bạn ạ. Đến đây, phải ăn cơm với canh chua cá ngát và cá chốt kho sả, cá kèo kho tiêu hoặc cá kèo kho mẵn thêm miếng chanh, ớt. Ngày xưa, Bạc Liêu cá kèo nhiều lắm, các bạn có thể tưởng tượng, sau khi phơi, buổi chiều người ta gom khô cá kèo lại thành từng đống. Khô cá kèo ăn với nước mắm me và vài ly đế.
Tối mồng 8 tết Thầy Lê Văn Tùng cũng có điện hỏi thăm, chúc tết muộn. Thầy cho biết đã định cư tại Canada 27 năm. Năm nay Thầy 85 tuổi, có 5 người con. Người con đầu, hiện nay 52 tuổi. Thầy hỏi tôi ở Kiên Giang có biết Thầy Hoàng Chiều Nhân không? Tôi trả lời là biết. Thầy Hoàng Chiều Nhân, trước năm 1975 là Hiệu trưởng của Trường Trung học Kiên Thành, Rạch Sỏi, Kiên Giang và là cựu giáo sư của Trường TH Nguyễn Trung Trực. Tôi nhớ Thầy,nhưng chắc là Thầy không nhớ tôi đâu. Có lần cùng Thầy Hoàng Chiều Nhân uống nước với mấy người bạn trước cổng trường Nguyễn Trung Trực. Xin kính tặng Thầy Lê VănTùng 1 bài thơ của Thầy Hoàng Chiều Nhân.
Chiều vẫn chiều rơi
Trên lối đi
Bông hoa tím nở
bên bờ quạnh hiu
Nhớ em
phố biển đường về
Gió hiu hắt mặn
chiều se sắt buồn
Áo em
pha tím hoàng hôn
Tóc em
suối chảy
lưng thon dịu dàng
Bông hoa tím
nở bên đường
Em xưa
áo tím
còn vương
giấc sầu
Nữa đời
trong cuộc bể dâu
Chừng khuây nỗi nhớ
Mái đầu pha sương.
Các bạn có thấy không? Cả cách xuống dòng của bài thơ cũng được chọn lựa, có chỗ đầu câu không viết hoa và rất hay. Đối với tôi, Thầy Hoàng Chiều Nhân còn là một thi sĩ, nghe tên là biết.
Trên đường về khách sạn, tôi lại nhớ anh Hứa Hữu Khánh. Trước năm 75, những buổi chiều Ban Mê se lạnh như quanh năm mùa đông, thời gian rảnh rổi, tôi với anh hay đi dạo phố, trên đường về áo khoác vắt vai như hai chàng lãng tử.
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Vào mùa nầy ngày xưa hoa cúc pha vàng ngoại ô Banmethuot và tôi như lạc vào động hoa vàng của Phạm Thiên Thư khi dã quỳ đại ngàn Tây nguyên vào hạ.
Ngày xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Say trăng say đất say trời
Thế gian bỏ mặc tiếng đời thị phi.
Và tôi có phụ họa thêm vài câu nhắn gửi gã từ quan:
Ai về nhắn bác Thiên Thư
Ngày xưa Hoàng Thị có còn nhớ không?
Hay là say giấc non Bồng
Bỏ quên Hoàng Thị trong lòng nhân gian
Ai về nhắn gã từ quan
Hỏi thăm có phải bác là Thiên Thư?
Hồng trần nặng bước ưu tư
Làm sao đến được cõi hư mà tìm.
Các vầng thơ nầy tôi có đọc lên trong buổi họp mặt để tặng Thầy Bùi Tiến và các em học sinh của tôi trong ngày 11/3/2018. Sáng có uống cà phê với Thầy Bùi Tiến. Tôi nhớ khi dạy ở BMT, lúc trờ về Saigon, thỉnh thoảng có nhờ anh hoặc Thầy Hoàng chuyển giùm lương (nghe nói Thầy Hoàng đã mất, xin chúc Thầy an nghỉ).
Trong buổi họp mặt này, tôi có dịp gặp lại Thầy Nguyễn Giõng, Thầy lớn hơn tôi 10 tuổi, nhưng vẫn trẻ trung, phong độ như ngày nào. Thầy về Banmethuot để làm công tác xã hội và sẵn dịp dự các buổi họp mặt. Thầy đang tất bật chuẩn bị cho hội nghị vào tháng 8/2018 tại Úc. Tuy bị khan tiếng nhưng Thầy hát rất hay. Hôm sau đi ăn sáng, uống cà phê. Tôi thấy Thầy đúng là nhà văn, nhà thơ và là một người rất uyên bác, hỏi gì cũng biết, từ chuyện xưa, chuyện nay đến chuyện trên trời dưới đất. Thầy có kể lại một số câu chuyện trong đời sống nhân gian, rồi đúc kết bằng một câu thơ của Nguyễn Du, khi Thúy Kiều báo ân, báo oán:
‘Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều’.
Mình viết luôn cả 4 câu cho các bạn dễ đọc và dễ hiểu hơn.
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan
Đã đành là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều
Các câu chuyện phiếm và câu thơ Nguyễn Du làm cho mình suy nghĩ rất nhiều. Đúng là cay nghiệt thì sẽ oan trái thôi, đó là nhân quả và là tất yếu. Câu thơ không chỉ gói gọn trong cách báo ân báo oán của Kiều mà còn khái quát cả trong cách xử sự của mình ở đời nữa các bạn. Chúc Thầy và gia đình khỏe. Mong có ngày gặp lại, trái đất tròn Thầy ạ.
Ngay khi đến sân bay Banmethuot, tôi đã có dự định sẽ đến thăm Thầy Liễn, nhưng Thầy đi Mỹ từ hôm mồng 8 tết, đành nhờ người em gửi lời thăm Thầy và Cô Thủy khỏe.
Trong buổi trưa ngày 10/3 tôi đến nhà em Định họp mặt với các em lớp 8/2 ngày xưa và chiều gặp các em lớp 8/3, sau đó cùng các em đi hát karaoke đến 8g tối mới về khách sạn.
Trưa 12/3, Linh đưa tôi ra sân bay. Em cho tôi biết Huy Quang là em Cô Hoàng Thị Dung. Rất mừng và ngạc nhiên, tôi nhắn tin cho Quang và đươc biết hiện Cô đang ở Saigòn, tôi có nhờ Quang nhắn lời thăm Cô Hoàng Dung khỏe và chúc Thầy Hay an nghỉ. Nhớ năm 1973, khi tôi có bức điện tín khẩn từ quê gửi lên, dù đã tối, hết giờ làm việc, Cô vẫn đến nhà để báo, lúc tôi còn ở đường Tôn Thất Thuyết, đối diện cổng trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, nơi có cây đa to. Hội xuân đầu năm 1974, khi đến thăm gian hàng của khối 9, gặp Thầy Hay. Thầy và các em mời tôi ăn tô bún thịt nướng. Những chuyện cách đây trên 44 năm, tôi vẫn còn nhớ như in, vì ký ức đó chảy mãi trong tôi không thôi.
Trên đường ra sân bay về lại Saigon, tôi lại nghe tiếng ve sầu réo rắt, nhưng nhỏ hơn tiếng ve sầu ngày xưa nhiều, vì ở đây chỉ là công viên thôi, còn ngày xưa là tiếng ve trong rừng. Tiếng ve sầu báo hiệu phượng nở hè về.
Xuân qua rồi thì, chia tay phượng nở sang hè.
Mùa nầy hoa cà phê nở rộ trắng trời Tây nguyên. Khi đến Banmethuot tôi rất ngạc nhiên khi thấy cây cà phê. Nào giờ có thấy đâu. Bông cà phê rất thơm. Tôi ngắt một cành hoa cắm vào ly nước, hương thơm tỏa khắp phòng.
Saigon mấy hôm nay, trời rất nóng, viết vội mấy dòng để gửi các học sinh của tôi mà thỉnh thoảng thấy mắt mình cay cay. Tôi mượn mấy vần thơ sau đây để kết thúc bài viết này.
Người ta bỏ phố lên rừng
Cớ sao anh lại bỏ rừng mà đi
Ban mê từ độ xuân thì
Mơ về bến cũ, quên đời lãng du
Xin chào thành phố Banmê và hẹn găp lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét