Mùa đông năm nay rét hơn nhiều những năm trước,càng gần lễ Noel trời cao nguyên gió lạnh về càng nhiều. Buổi chiều mới 5 giờ đã sẩm tối, ở ngôi Nhà Thờ Chính Tòa ngay ngã sáu BMT đèn thắp sáng, lấp lánh những ngôi sao xanh và dây đèn đủ màu nhấp nháy, cảm thấy ấm áp hơn giữa tiết trời lạnh giá..
Giờ lễ tan tôi ngắm nhìn những cô gái trẻ, áo khoác đủ màu, khăn quàng cổ duyên dáng buông trên vai. Chợt nhớ về những mùa đông năm cũ, những mùa đông của chừng như 50 năm cũ. Thời ấy phố Ban Mê của tôi còn nhỏ xíu xiu, bao quanh Phố là những rừng cây Cao su, rừng Sao, đồi Thông ngút ngàn, cây cao làm tiết lạnh còn thêm nhiều sương mù. Buổi sáng đi học ngược con đường Hùng Vương dài gió thổi lồng lộng, một tay ôm vở, một tay giữ hai tà áo dài xanh khỏi bay tung trong gió.Đến lớp là hai bàn tay đã tê buốt, được dịp nhõng nhẽo xuýt xoa, Cô ơi hai tay tê vầy làm sao viết bài Cô. Cô bảo xoa tay vào nhau khởi động cho ấm rồi hãy cầm bút, mấy chục miệng cùng chu môi phùng mỏ nói chuyện, làn hơi bay ra khỏi miệng giống như làn khói trắng hút thuốc. Mất mười phút rồi mới trật tự trở lại đâu vào đấy, những mái tóc dài đen nhánh nghiêng nghiêng trên trang vở trắng. Cô giáo trên bục giảng cũng trẻ măng trong tà áo dài màu, đó là điểm khác với màu áo xanh của đám nữ sinh nhí nhảnh. Cô phải giả vờ làm nghiêm nghị nhưng thỉnh thoảng cô quay ra cửa sổ giấu một nụ cười. khi bị đám học trò chọc ghẹo. Đó cũng là hình ảnh của cô mới những năm về trước đây thôi. Cái gì Cô nói ra cũng là đi guốc trong bụng nên đám nhóc cứ là tròn mắt, sao cô biết được. Câu trả lời của Cô bao giờ cũng là, vì trước khi làm Cô, Cô cũng là học trò mờ. Từ từ qua 7 năm ở ngôi trường, đám con gái cũng trưởng thành hơn, những năm đầu ở trung học cũng nghịch ngợm lắm lắm.Vào những ngày mùa đông áp Lễ Noel, tôi và nhỏ bạn thân rất siêng ghé nhà sách Niềm Vui ở trong khuôn viên Nhà Thờ . Đón mua số đặc biệt Tuổi Hoa, lượng báo về cũng ít lắm không mua sớm là hết. Rồi la cà ngắm những đồ trang trí cho cây thông Noel, mấy trái châu xanh đỏ tím vàng, mấy cái chuông be bé khi treo lên có gió sẽ phát ra tiếng kêu kinh cong vui tai, những thiên thần dán bằng giấy màu có đôi cánh bạc nho nhỏ, những dây kim tuyến trang trí xanh đỏ tím vàng. Xem chán rồi cứ thẳng đường Quang Trung xuống Nhà sách Văn Hoa, xuống một chút nữa qua chợ là đến nhà sách Khải Minh. Hai đứa tham gia lục lạo thiệp Noel cùng với một đám nhóc ở trong tiệm. Thiệp thời xưa cùng đơn sơ thôi không in ấn đẹp như bây giờ, nhưng với con mắt mười mấy tuổi như hai đứa đã là đẹp lắm, thường vẻ mấy cây nến đang cháy lung linh, hay một ngôi Nhà Thờ nhỏ phủ đầy tuyết trắng, hay chùm trái châu nhiều màu có rắc kim tuyến lóng lánh, hay ông già Noel đeo một gùi quà trên lưng đi chiếc xe tuần lộc kéo. Không có nhiều tiền nên hai đứa hay chọn mua những cái thiệp nhỏ xíu rồi viết vào đó mấy câu để tặng bạn bè, ngày nào cũng gặp nhau mà bắt chước người lớn tặng thiệp nữa chứ, dễ thương hông? Dần lớn lên qua đến năm lớp 10, không còn lớp con gái nữa vào học chung với đám con trai, biết điệu đà một chút, biết làm duyên làm dáng. Đi la cà mắc cở không đi hai đứa nữa mà đi chung thành một nhóm con gái luôn. Biết ghé tiệm bánh ngắm mấy cái bánh noel hình khúc cây phủ đầy sô cô la, có trang trí mấy cái nấm mập ù đứng cạnh mấy ông tuyết mắt đen mũi thì đỏ. Biết ghé mấy tiệm chà và bán vải ngắm mấy cây vải áo dài tơ lụa đủ màu. Tiệm gì cũng nằm quanh quanh mấy con đường chính Quang Trung , Y Jut, Hai Bà Trưng. Mấy ông Chà và bán vải thấy cả đám vào xổ ào mấy cây vải cho xem. Ông ơi tụi cháu chỉ xem thôi ạ, khi nào mua là má mua thôi. Người Ấn là chuyên gia kinh doanh mà, không sao đâu các cô cứ xem đi, chừng nào thích thì bảo má ra mua . Thời ấy chiến tranh, khó khăn làm gì có thời trang thu đông đủ kiểu như bây giờ. Cứ đầu mùa lạnh là mẹ tôi tự đan áo mới cho đám con, bà vốn học từ một trường Souer nên giỏi gia chánh, bà đan thoăn thoắt một hơi bảy cái áo len cho bảy đứa. Thời trang mùa đông của tôi chỉ là áo len cùng màu như đồng phục với đám em. Lớn lên một chút tôi biết chọn màu và chọn kiểu.Tôi nói mẹ đan áo màu xanh đen cổ cao cho giống đám bạn nữ trong lớp , chúng tôi hẹn nhau mặc áo len hai màu xanh đen và đen. Suốt mùa đông đám con gái cứ mặc áo dài trùm ngoài là cái áo len , riết rồi nhỡ chơi đùa đứt mấy cái cúc cũng không buồn đơm lại. có áo len mà, ai thấy đâu để sang hè rồi đơm cũng được. Đồ lạnh hồi xưa thường chỉ là áo len đan tay hay đan máy, có vài bạn nam có áo khoác kiểu pilot . Nhiều bạn nam mặc áo len cổ trái tim tay ngắn, bên trong mặc áo sơ mi tay dài đóng thùng , cổ sơ mi bẻ ra ngoài trông thư sinh và lịch sự, lâu rồi tôi không còn nhìn thấy ai mặc như vậy nữa, thời trang của những ngày đông xưa cũ. Lên năm lớp 11 lớp tôi học ở Dãy thứ ba trong trường Tổng Hợp, cách hai lớp bạn là con đường xi măng nối từ văn phòng xuống. Các bạn nam sinh ngồi sát với dãy cửa kính có thể nhìn thấy được con đường độc đạo đó. Vì vậy các giáo viên đổi giờ, dự giờ hay đi xuống kiểm tra là chúng tôi có thể quan sát được và báo cho nhau trước, ví dụ "Thầy Giám thị xuống ", hay thỉnh thoảng nghiêm trọng hơn," Thầy Hiệu trưởng xuống". Nhưng chúng tôi sợ nhất là Thầy Giám Học, Thầy hay kiểm tra đồng phục, nam thì tóc tai, dép có quai hậu, nữ thì áo màu xanh có bạn mặc màu xanh Air Việt Nam không đúng màu đồng phục. Nguy hiểm hơn là mùa lạnh trường quy định phải có huy hiệu trên áo lạnh. Nhưng đa số chúng tôi bỏ qua huy hiệu trên áo ngoài, vì có kiểm tra chúng tôi chỉ cởi áo khoác là có huy hiệu may sẵn trên áo dài hay áo sơ mi. Hôm ấy là một ngày mùa đông rét căm căm, đang trong giờ học bỗng bạn ngồi gần cửa sổ báo động, Thầy Giám Học xuống. Thường thì bạn chỉ nói nhỏ nhỏ thôi và tin tức sẽ truyền tai nhau đi. Hôm ấy bạn hốt hoảng quá nói to nên chúng tôi cùng nghe được. Lập tức cả lớp như một cái máy, không ai bảo ai cùng cởi phăng áo lạnh ngoài nhét xuống hộc bàn. Động tác của trẻ mà, nhanh, gọn, chính xác, và đồng loạt làm Thầy Hoàng Trọng đang dạy cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một hồi lâu Thầy Giám Học Cung Kim Trạch mới xuất hiện, vì thầy còn kiểm tra đồng phục hai lớp kế bên. Lúc đó chúng tôi lạnh run, răng bắt đầu đánh bò cạp. Đứng dậy, hai bàn tay tôi phải năm chắc cạnh bàn, vừa sợ vừa lạnh cóng tay chân. Thầy đi từ trên xuống dưới quan sát từng đứa, may quá hôm đó không có đứa nào bị lỗi, một cái cấm túc chứ không phải đùa đâu. Khi kiểm tra xong, Thầy đi ra khỏi lớp bỗng dưng Thầy dừng lại nói” Trời lạnh mà lớp này cũng giỏi ghê, không có em nào mặc áo lạnh hết nhỉ. “Lúc đó giống như gần hết sức chịu đựng rồi, cả lớp ồ lên quên cả sợ ”: lạnh quá Thầy ơi, hù hù lạnh quá”. Thầy Trạch chợt phì cười, giống như hồi nãy giờ Thầy cố nín cười vậy đó, vừa đi ra khỏi lớp Thầy vừa nói , mặc áo lạnh vô đi. Cũng nhanh như lúc cởi áo, chúng tôi lôi áo len từ hộc bàn ra mặc vào nhanh như chớp. Có một nhân vật hồi nãy giờ quan sát cả lớp và cứ tủm tỉm cười, đó là thầy Trọng, nụ cười của Thầy giống như biết hết tẩy mấy trò rồi, chỉ là tha cho mấy trò thôi. Năm lớp 12 là năm có nhiều xáo trộn nhất, lớp này nhập vào lớp kia. Mùa đông năm ấy trôi qua nhanh đến một mùa hè nhiều biến động. Chúng tôi chia tay nhau, đám con gái đi lấy chồng bỏ cuộc chơi. Ngày tháng trôi thật xa, lật bật trong cuộc sống chẳng nghĩ gì đến xuân hạ thu đông . Chiều nay ngắm những cô gái trẻ khoác áo quấn khăn choàng sắc màu rực rỡ. Cuộc sống như quy luật đã tiến nhiều về phía trước. Thị xã nhỏ bé ngày xưa giờ cũng thành một thành phố đông đúc. Những cánh rừng quanh phố cứ như có chân đi xa dần, nhường chổ cho nhà ở, cho công trình, dự án. Thời đại mới khoa học như vũ bão, internet, smart phone, camera. Bây giờ người ta ít gởi cho nhau những lá thơ viết tay, những cánh thiệp màu sắc như xưa. Bây giờ mùa đông về thời trang màu sắc đủ loại, tôi nhớ những cái áo len mẹ đan cho năm cũ, nhớ con đường đến trường, những đôi má con gái đỏ bừng vì gió lạnh, những tà áo dài bay tung trong gió. Tôi nhớ những mùa đông năm cũ, nhớ rừng thông, rừng lao xao quanh Phố nhỏ….đã nửa thế kỷ rồi còn gì, đời người có mấy ai được hai lần nửa thế kỷ.
LÊ YÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét