Bạch Trầm
(Dũng Lâm ơi , bỏ qua bài này là uổng lắm nhe. Vì nó giống y hệt suy nghĩ của đám mình - Bạch Yến)
(Dũng Lâm ơi , bỏ qua bài này là uổng lắm nhe. Vì nó giống y hệt suy nghĩ của đám mình - Bạch Yến)
Ngày xưa...Lại ngày xưa nữa rồi. Thôi thì hồi nhỏ...
Không chờ bước qua tháng chạp khi xấp lịch trên tường còn mỏng lét mới nhớ ra gần tết. Với tôi, tết từ hôm ông ngoại đem về nửa cây vải mua ở tiệm Chà Và ở đường Quang Trung, bà ngoại dẫn tụi tôi lên cô thợ may đầu đường may cho mỗi đứa một bộ, giống nhau từ vải đến kiểu. May sớm cho rẻ và sợ gần tết thợ may không nhận. Đồ tết dài và rộng để còn mặc cả năm. Cả bà ngoại và cô thợ may đều bảo thế.
Rồi một ngày đầu tháng chạp, trời tự nhiên mưa lất phất, đang se lạnh chuyển sang ấm áp. Ông ngoại nói : "Mưa lập xuân". Hàng mai ngoài sân nhú những chồi nụ nhòn nhọn xanh xanh (hàng mai này gần bằng tuổi tôi, cậu ba của tôi quen một cô tên Mai nên bứng trên rừng đem về trồng . Duyên nợ không thành hàng mai trở thành kỷ niệm. Bây giờ nhà đất bán dần chỉ còn một cây, mới biết cây cũng thăng trầm như người). Cả nhà lặt lá mai hết hai ngày. Tụi tôi lăng xăng hốt lá, quét sân, rượt đuổi nhau lăn lộn trên đống lá, làm ít chơi nhiều. Mai được tuốt lá xong trông tinh tươm và đẹp hẳn ra. Trời đất còn đợi tết huống chi người!
Thú vị nhất là được theo bà ngoại đi chợ. Đông đứa nên phải bốc thăm, sau này mới biết thăm toàn ghi tên tôi, có lẽ vì thương con nhỏ xa mẹ nhiều nhất chứ không phải vì nó " nhu mì" hơn các chị em của nó. Đi chợ chỉ có nhiệm vụ đứng coi giỏ. Coi giỏ gì! Tôi chạy tới chạy lui ngó ngang ngó dọc mấy hàng bánh mứt đỏ xanh, nhất là chỗ vừa bán vừa la vừa diễn hề, xiếc, ảo thuật, lâu lâu liếc cái giỏ một cái mà chưa bị mất thứ gì. Về được đi xích lô bước xuống trước những cặp mắt ganh tị của mấy đứa em. Bà ngoại và các dì làm bánh mứt củ kiệu; Lại ngồi chồm hổm coi, hít hà, quẹt mút và chờ vét nồi, ăn bánh khét. Đứa em kế lì quá nên không cho coi đổ bánh sợ bánh lì.
Tết thật sự đến vào ngày 23 tháng chạp. Hội xuân ở trường là một dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm bao lứa học trò. Những ngày tiếp theo là một chuỗi thần tiên. Nghỉ học và chơi đùa thỏa thích. Người lớn vui vẻ hẳn ra, chẳng thấy la rầy.
Năm nào cũng vậy , 27 theo dì cậu qua rẫy chặt lá chuối chuẩn bị gói bánh. Chỉ có ở rẫy mới chịu nổi bọn quỉ này. Những tàu lá chuối mát lạnh trải làm nhà, rọc sống làm kiếm hoặc chẻ làm ba quơ mạnh kêu tạch tạch làm súng, lá xé te tua cột quanh cổ, lưng làm quần áo rồi chia phe đánh trận giả la hét khản tiếng. Đã quá nên những ngày sau bớt quậy. Chiều về bọn tôi có nhiệm vụ lau lá, nghe bà ngoại vừa đãi đậu vừa kể chuyện. Im thin thít vì ông ngoại ngồi chẻ lạt gần đó. Ngày sau gói bánh, đứa nào cũng xăng xái mót lá bắt chước gói những cái bánh nhỏ hình thức giống y nhưng nội dung nếp đậu thịt lộn xà ngầu. Với chúng tôi những cái bánh này ngon nhất, không đứa nào nỡ ăn. Năm nào cũng gói vài cái bánh không nhân cúng má tôi, má thích. Đêm cả nhà thức canh nồi bánh tét. Ông cậu đem bộ bầu cua ra chơi la hét ỏm tỏi nhưng hễ bà ngoại kêu có đứa nào sai cái coi thì ai cũng im re. Đến lúc buồn ngủ lơ mơ thấy ông ngoại ngồi bên bếp lửa giống hệt ông tiên.
29 dọn dẹp lau chùi trong ngoài sạch sẽ. Ngôi nhà như lột xác sáng ngời khiến chúng tôi đàng hoàng hẳn ra. Trưa 30 cúng tất niên. Không gian thoang thoảng hương trầm ấm áp quen thuộc ngấm vào hồn người mỗi năm một sâu thẳm.
Đêm giao thừa cả nhà thức đợi. Hồi đó không có ti vi, lớn nhỏ quây quần nghe ông ngoại kể chuyên tết ở quê, chuyện ông cố ông sơ, chuyện làng xóm chuyện đánh Tây... bao nhiêu chuyện đó mà năm nào cũng mới cũng hỏi sao vậy sao kia...
Pháo nổ đì đùng rồi nổ ran. Đồng hồ gõ 12 tiếng, ông cậu út châm ngòi pháo, chúng tôi vừa vỗ tay vừa chạy nhặt những viên pháo xịt. Ông ngoại thắp nhang khấn vái trong ngoài. Trong làn khói hương thiêng liêng dường như có cả nụ cười của những người đã khuất. Tôi là đứa ăn nói có vẻ trôi chảy nên được đại diện bọn trẻ chúc tết ông bà dì cậu. Vậy mà cũng hồi hộp và hơi run, lũ em nín thở. Ông ngoại rút xấp lì xì đỏ cho lớn nhỏ mỗi người một bì với lời chúc học giỏi mau lớn. Nếu biết lớn như vầy tôi thích nhỏ hoài. Dì tôi đem quyển sổ lưu trữ nhiều năm và cây bút mới để cả nhà khai bút đầu năm. Quyển sổ ấy sau bao năm tháng truân chuyên chẳng còn giữ được. Thôi đừng buồn, mất nhiều cái còn lớn hơn.
K giữ nghiêm được lâu, chúng tôi rượt cốc vào đầu nhau, ai cốc được thì cả năm được cốc. Hồi hộp chờ bổ dưa lấy hên đầu năm. Năm nào dưa cũng đỏ, ngọt, thơm mát lịm sâu đến tận giờ.
Sáng mùng một chúng tôi xúng xính trong bộ quần áo mới dài phết đất. Bà ngoại dặn không được vào nhà ai, khách đến phải chào, không được đứng nhìn chờ lì xì, ai cho phải cảm ơn... những bài học tưởng nhỏ nhưng dễ quên. Có một năm cậu Bảy đem về cái máy chụp hình, cả nhà chụp chung mấy tấm hình, lớn nhỏ gần 20 người. Đến nay số người trong tấm hình đó đã đi xa quá nửa. Người đi lập nghiệp, lập gia đình xa, ít về, dịp tết càng hiếm. Ông bà tôi và một số khác đã về miền cực lạc, không biết họ có đếm từng ngày để về nhà ăn tết hay không dù chỉ ăn trên mâm cỗ thờ!
Ông cậu út lén lấy máy hình chụp tụi tôi đã đời, xong kéo phim ra coi, hình bay mất hết phim trắng bóc. Ông cậu út cũng không còn.
Miên man chuyện nọ xọ chuyện kia. Nghe mấy bà già lẩn thẩn kể thì chẳng bao giờ dứt. Thoắt một cái mọi thứ đã trôi tuồn tuột vào cõi xa xăm. Có lần trong giấc mơ tôi giơ tay chụp một thứ lãng đãng nào đó, hụt tay giật mình thức giấc chỉ thấy tay không!
Tết bây giờ mọi thứ đều sẵn, đều mua. Tôi phải mô tả cái bánh chưng và cái bánh tét cho thằng cháu nội vẽ cho đúng, đợi tết mua về cho nó mục sở thị.
Rảnh rỗi sinh nông nổi (ngôn ngữ thời hiện đại) nghĩ ngợi lung tung. Lớp trẻ thích đi du lịch, đi chơi với bạn bè hơn ở nhà, về quê. Giao thừa đường phố nhộn nhịp mất hẳn vẻ trầm mặc thiêng liêng. Tôi lại một mình trong cái tĩnh lặng âm thầm.
Thôi, mình già rồi, mọi thứ cũng cũ rồi. Đôi lúc mình bắt gặp mình bần thần trước những cũ kỹ, ngồi ngắm ông bà với những nụ cười không già không tắt trong những tấm hình; ngắm ông cậu út mãi mãi tuổi 18... đến tết lại nhớ lại theo thói quen sợ thiếu cái nọ cái kia... mua sắm đủ thứ. Rồi phành bụng ra ăn, trước vì nhớ sau vì tiếc!
Con cháu đến thăm chúi đầu vào máy tính thỉnh thoảng la lên: " Mày dám. Cho mày chết. Chết nè." Trước còn lạ sau biết tụi nó chơi game. Lớn hơn thì mỗi đứa trên tay một cái điện thoại, hỏi chuyện chúng chỉ ừ à mắt vẫn chăm chú chát chít phây phiếc gì đó.
Bây giờ đủ đầy đâu còn rạo rực chờ tết mới được mặc đẹp ăn ngon, được đi chơi và nhiều thứ khác. Thế là mất dần những giây phút bên nhau ăm ắp tình yêu thương dung dị mà đầm ấm.
Thời hiện đại mà. Mình phải hiện đại lên chứ. Nhưng sao khó quá, Tết ơi!...
23 tháng chạp AL, 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét