Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

THẦN TƯỢNG

 Nhân dịp Lễ Tạ Ơn (28/11/2013) , Trunghocbmt68-75 giới thiệu bài viết của Qunh Hoa - em gái của Hải - viết cho Anh

 Tháng tới là giỗ lần thứ ba của anh trai tôi, anh Hải, tự nhiên tôi muốn viết về Anh, một thần tượng, một người cha thứ hai, và cũng là người thầy của tôi. Không có Anh, có lẽ tôi không được như ngày hôm nay.

Anh bắt đầu gây ấn tượng cho tôi, đó là ngày…Anh bỏ nhà ra đi, lúc đó tôi 7 tuổi. Tôi nhớ rõ đêm hôm đó, tự nhiên có một anh hàng xóm chạy hớt hải vào nhà tôi báo với mẹ tôi, “Bác Lâm ơi, anh Hải trốn đi rồi, con thấy anh ấy cầm một cái túi màu đen…”
Mẹ tôi hốt hoảng chạy đi, tôi chạy theo Mẹ về hướng đường Hoàng Diệu, theo như anh hàng xóm chỉ. Chạy được 3 lốc đường, bỗng tôi nhìn thấy một bóng đen nấp dưới gầm một chiếc xe tải, tôi la lên, “ Anh Hải kìa!” Mẹ tôi òa khóc, “Hải ơi, con muốn gì thì nói mẹ, tại sao con lại trốn đi như thế này..” Anh tôi lặng lẽ bò ra khỏi chỗ nấp, và lẽo đẽo theo mẹ con tôi về nhà. Sau đó, tôi không hiểu mẹ và anh tôi đã nói gì với nhau, chỉ biết là một thời gian ngắn sau đó, anh tôi đi lính. Những ngày Anh về phép là những ngày gia đình tôi như có hội. Tôi nhớ hình ảnh Anh mặc đồ lính được hồ thẳng tắp, chân mang giày bốt rất oai…. Nhưng mỗi lần Anh cởi vớ ra, chị em tôi chạy tán loạn vì không chịu nổi cái mùi vớ khủng khiếp đó, anh biết nên cầm đôi vớ lên “dí” chúng tôi chạy…

Hồi nhỏ tôi cứ thắc mắc vì sao anh tôi lại không muốn tiếp tục đi học mà muốn đi lính; sau này tôi mới hiểu anh tôi hồi nhỏ học không được giỏi vì bị bệnh tự kỷ (autism), một căn bệnh khiến anh tôi không phát triển tốt ngôn ngữ nói (anh tôi biết nói rất chậm và nói lắp) và bị rối loạn về tập trung. Nhưng bù lại, anh tôi lại phát triển rất tốt những khả năng khác. Anh tôi rất phá, nổi tiếng trong giòng họ, nhưng cũng cực kỳ thông minh. Mọi đồ đạc trong nhà tôi hư hỏng đều do anh tôi sửa, từ ngòi bút hư, cho tới những đồ điện gia dụng. Anh còn “chế tạo” ra những thứ máy móc hoặc đồ chơi rất tinh xảo, làm chị em tôi rất thán phục.

Rồi chiến tranh cũng chấm dứt sau năm 1975, anh tôi ở nhà một thời gian dài vì không kiếm được việc làm. Đúng là “nhàn cư vi bất thiện,” anh tôi bắt đầu giao du với những người nghiện ngập và…gái làng chơi, và một lần nữa mẹ tôi lại rơi nước mắt vì Anh. Tôi nhớ có lần đang ngồi học ở nhà, tự nhiên tôi thấy mẹ tôi, lúc đó đang bán tạp hóa ở chợ, hớt hải chạy về nhà và chạy thẳng lên lầu… Vài phút sau, có một chị áo quần xộc xệnh, đầu tóc rối bời, tay xách dép…chạy từ trên lầu xuống và vụt ra khỏi nhà tôi… Lúc đó tôi chẳng hiểu mô tê gì, chỉ thấy mẹ tôi khóc… Rồi một lần khác, mẹ tôi lại bỏ hàng quán về bất chợt giữa trưa, lúc đó anh tôi đang nằm sóng xoài trên đi-văng. Mẹ tôi vừa cạo gió trên cánh tay Anh, vừa nói trong nước mắt, “Con nói thiệt với mẹ đi, đây là vết chích phải không? Mẹ sẽ không sống nổi đâu Hải ơi, con phải nhớ là con còn có 6 người em…” Anh tôi nằm lặng im…

Sau những gì xảy ra, tôi thấy Anh có vẻ ân hận và ngoan hơn. Anh bắt đầu chăm sóc anh chị em tôi nhiều hơn...Và tôi đã được học bài học đầu tiên từ Anh về sự lễ độ. Hôm đó, Anh chở tôi trên chiếc xe máy màu đỏ của Anh để đi mua xăng “lậu” (lúc đó, xăng chưa được phép bán trên thị trường). Tới nơi, tôi vẫn ngồi sau xe, hỏi cộc lốc chị bán xăng đang ngồi trước hiên nhà, “có bán xăng không?” Bỗng anh tôi quay ngoắt lại và tát tôi một cái...bép trên mặt, rồi Anh gằn từng tiếng,  “bước xuống xe và đến trước mặt chị bán xăng, vòng tay lại hỏi, thưa chị ở đây có bán xăng không ạ.” … Tôi sững sờ, và rồi òa khóc…Sau này tôi thầm cảm ơn Anh về bài học nhớ đời đó, tôi trở nên vô cùng lễ phép với tất cả mọi người, kể cả những người bần hàn, kém may mắn trong xã hội. Chưa hết, Anh tiếp tục dạy dỗ tôi, có lẽ một phần lúc đó tôi là nhỏ nhất trong nhà nên cũng khá hư, một phần cũng do ba mẹ tôi buôn bán vất cả từ sáng sớm tới tối mịt mới về tới nhà, nên không còn nhiều thời gian dạy dỗ con cái. Một ngày đẹp trời nọ, đám bạn trung học chúng tôi rủ nhau xuống rẫy một người bạn chơi; tôi năn nỉ Anh đi theo để chụp hình. Ngày hôm sau, Anh chìa trước mặt tôi một xấp hình Anh đã chụp và tự rửa. Không một lời cảm ơn, tôi chỉ thốt lên, “Hình hổng đẹp!” Thế là một cái tát thứ hai giáng lên cái mặt... vô duyên của tôi… Tôi choáng váng và lại òa khóc… Một lần nữa, tôi lại thầm cảm ơn Anh, vì từ đó trở đi tôi đã biết cách xử sự như thế nào để không làm tổn thương người khác, bất kể là người thân trong gia đình hay ngoài xã hội. Sau này khi qua Mỹ, tôi không dám đánh con tôi vì luật pháp bên này không cho phép, dù là những cái tát nhẹ hoặc những cái phát vào mông. Nhưng từ trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ, nếu đánh với ..tình thương, đánh để dạy dỗ con cái hoặc em út cho nên người (chứ không phải vì thù hận), thì việc đánh đó vẫn nên được áp dụng.  

Đã đến lúc Anh phải ra đi, vì không còn con đường nào khác. Mẹ tôi đã gom góp số tài sản ít ỏi để Anh tự trang bị một chiếc tàu nhỏ cho chuyến vượt biển. Sau vài năm “ba chìm bảy nổi” ở Bà Rịa, cuối cùng rồi Anh cũng tới Mỹ, đem theo người em trai là anh Huy tôi và một số bạn bè của Anh. Cuộc đời Anh bắt đầu thay đổi từ đó; một sự thay đổi làm mọi người trong gia đình tôi và bà con xa gần đều phải ngưỡng mộ và tự hào về Anh – Một người chồng và người cha gương mẫu, một người con hiếu thảo, một người anh có trách nhiệm, và một công dân rất tốt trong xã hội.

Đầu tiên là Anh lấy vợ, một người phụ nữ “công, dung, ngôn, hạnh” mà Anh đã yêu thương và gắn bó cho tới khi Anh nhắm mắt. Sau đó, Anh vừa đi làm để nuôi con, vừa đi học cao đẳng về vi tính vào buổi tối. Trong những lúc khó khăn đó, hai anh trai tôi và người chị dâu vẫn nhớ tới gia đình còn ở lại VN. Những thùng quà các anh chị gởi về đã đỡ đần cho ba mẹ tôi, và nuôi chị em tôi ăn học. Đám cưới tôi, vợ chồng anh tôi đã chu đáo gởi về từng xấp vải may đồ cưới cho cả cô dâu và chú rể, từng cuộn phim màu để chụp hình cho ngày cưới…Anh vẫn vậy, vẫn lo từng li từng tí cho những người em nhỏ còn lại ở quê nhà. Sau một thời gian dài rất vất vả, cuối cùng rồi Anh cũng tốt nghiệp được cao đẳng vi tính; và sau khi đi làm cho một số hãng điện tử, Anh được phong chức và trở thành một kỹ sư giỏi của một hãng nổi tiếng ở Mỹ.

Sau khi hai anh trai tôi tạm gọi là ổn định ở xứ sở xa lạ này, các anh bắt đầu lo đến chuyện bảo lãnh đại gia đình tôi để tất cả được đoàn tụ ở Mỹ. Đầu tiên là ba mẹ tôi đi, sau đó lần lượt đến anh chị tôi và tôi. Anh em tôi không bao giờ quên ơn hai người anh trai đã bỏ biết bao thời gian và công sức để bảo lãnh và rồi cưu mang chúng tôi trong thời gian đầu đến xứ sở xa lạ này. Tôi còn nhớ rất rõ ngày gia đình tôi đặt chân tới Mỹ; tất cả ba mẹ, anh chị, các cháu tôi đã nhảy cẫng lên vì mừng rỡ khi nhìn thấy gia đình tôi ló mặt ra khỏi phòng cách ly tại phi trường. Tôi thoáng ngạc nhiên pha lẫn vui mừng khi nhìn thấy vợ chồng anh Dậu, một người bạn thân của anh tôi, cũng ra phi trường đón gia đình tôi. Tôi rất nhớ ơn vợ chồng anh Dậu vì điều này, vì tôi biết ở Mỹ ai cũng rất quý thời gian, người ta chỉ dành thời gian cho những người mà họ rất quý mến.

Vợ chồng anh tôi đã đưa gia đình tôi về ở nhà anh chị 9 tháng trời, với bao sự chăm sóc, giúp đỡ ân cần, và vị tha. Sau này, lúc đã ở Mỹ được 1 thời gian, tôi mới thực sự thấy đó là một điều rất đáng khâm phục ở tấm lòng nhân hậu của vợ chồng anh tôi. Không phải ai cũng làm được điều đó, khi bảo lãnh một người thân từ Việt Nam sang. Lối sống khác nhau, văn hóa khác nhau, và cách ăn nói cũng không đồng điệu, đã làm cho nhiều người bên này không thể chịu đựng nổi những người thân mà chính họ đã bảo lãnh sang; hậu quả là anh em xích mích, thậm chí không nhìn mặt nhau trong thời gian dài sau đó.

Bắt đầu lại từ đầu một cuộc sống mới, ở lứa tuổi không còn trẻ, thật không đơn giản như tôi đã nghĩ khi còn ở Việt Nam. Vợ chồng tôi lao vào kiếm sống bằng bất cứ nghề gì, để có thể tồn tại và nuôi hai đứa con ăn học. Tôi không còn dám nghĩ tới chuyện tiếp tục học, vì quá nhiều khó khăn trước mắt. Và một lần nữa, anh tôi đã tiếp sức mạnh và nghị lực cho tôi, để tôi không thể bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục đi theo con đường học vấn. Tôi nhớ mãi câu Anh đã nói với tôi khi tôi không còn một chút động lực nào và chỉ muốn buông xuôi: “Em phải nhớ là em đang có hai con đường để chọn, một là đi con đường dễ dàng, em cứ tà tà đi, nhưng nó chẳng đi đến đâu cả; hai là đi theo con đường đầy chông gai, nhưng nó chỉ là một đoạn đường ngắn, khi em vượt qua nó, em sẽ có một cuộc sống đầy ý nghĩa.” Anh tôi thường ít nói, nhưng những câu Anh nói, thật đáng ghi nhớ.

Mọi chuyện tưởng chừng như suôn sẻ tốt đẹp, tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn được sống gần với ba mẹ, anh chị tôi…Cho tới một ngày giống bão kéo tới gia đình tôi… Một buổi sáng mùa xuân, năm 2008, trong lúc tôi đang lái xe đi làm, thì anh tôi gọi. Tự nhiên linh tính báo điều gì chẳng lành, vì anh tôi thường không gọi vào giờ đó. Tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn… Anh nói, giọng hơi run, “Bác sĩ gia đình mới gọi cho Anh, họ nói trong phổi và trong não Anh có một số khối u, em đừng cho ba mẹ biết....” Tôi choáng váng và không thể lái xe được nữa; tôi tắp xe vô lề, còn Anh vẫn tiếp tục nói…,nhưng tôi không còn nghe được nữa, tôi gần như ngất đi… Như đoán được điều gì đang xảy ra, Anh ngừng nói! Sự im lặng của Anh đã làm tôi bừng tỉnh lại, tôi phải nói gì đó để trấn an Anh trong lúc này. Tôi bắt đầu huyên thuyên như một con điên, tôi không còn nhớ mình nói gì nữa… chỉ nhớ là sau khi cúp điện thoại, tôi khóc rống lên như một đứa trẻ...Tôi biết là Anh không còn sống với gia đình được bao lâu nữa... Ngày hôm đó, bác sĩ bắt Anh phải nhập viện để làm thêm một số xét nghiệm. Buổi tối, tôi vào bệnh viện thăm Anh, và không khỏi xúc động khi nhìn thấy vợ con Anh đang đứng vây quanh chiếc giường Anh nằm. Được một lát, người bác sĩ gọi chúng tôi ra phòng riêng và nói với chị dâu tôi, “Bà hãy chuẩn bị cho chồng bà, ông nhà sẽ sống trong vòng từ 6 tới 9 tháng nếu có điều trị, còn nếu không điều trị, chỉ còn được 3 tháng...” Hai đứa con anh tôi òa khóc, còn tôi và chị dâu tôi đều cố gắng giữ vẻ mặt bình thản và quay về phòng anh tôi nằm, như không có chuyện gì nghiêm trọng... Bệnh viện ở Mỹ không yêu cầu người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân vào ban đêm vì có y tá túc trực 24/24, nên lần lượt hai đứa cháu tôi về trước, rồi đến chị dâu tôi, tôi nán lại với Anh một chút rồi về sau cùng… Nhưng khi ra đến bãi đậu xe, tôi thoáng thấy một bóng người trên chiếc xe đậu bên cạnh Chị dâu tôi đang gục mặt trên vô lăng, đôi vai rung lên bần bật...Và tôi cũng chui vào trong xe và khóc…

Những ngày sau đó là những ngày kinh khủng nhất của anh tôi; anh phải trải qua những đợt điều trị rất nặng nề và ác nghiệt! Nhưng cũng qua những ngày tháng đó, tôi mới nhận ra một điều là anh trai tôi có những người bạn thật đáng quý và đáng trân trọng. Tôi không thể tả hết được những tình cảm trân quý mà những người bạn của anh tôi đã dành cho anh tôi. Chỉ biết nói một điều là cả gia đình tôi sẽ mang ơn suốt đời các anh chị đó. Người bạn đầu tiên sang thăm anh tôi là anh Châu; Anh bay từ Seatle sang để đưa anh tôi đi mổ não. Có lẽ anh Châu không biết được rằng việc làm đó của Anh, đã có ý nghĩa nhiều như thế nào đối với anh Hải và cả gia đình tôi. Anh tôi rất vui và cảm giác ấm áp khi có gia đình cùng một người bạn thân bên cạnh trong lúc gian nguy, vì cuộc mổ đó có thể khiến anh tôi không bao giờ tỉnh dậy được nữa. Rồi sau đó, biết bao nhiêu bạn bè và thầy cô gọi điện thoại hỏi thăm hoặc tới tận nhà thăm anh tôi, làm Anh rất vui. Anh Hòa, anh Luân từ Việt Nam bay sang, thầy Giõng từ Úc sang thăm, thầy Phúc đến từ Seatle, và rất nhiều các anh chị thầy cô khác, mà tôi không thể kể hết ra đây, cũng lặn lội tới thăm anh tôi. Thật là đáng quý!

Như có một phép nhiệm màu, cuộc sống anh tôi kéo dài được 3 năm sau đó, không phải là dưới 1 năm theo tiên đoán của bác sĩ. Năm 2009, gia đình tôi cùng với gia đình anh tôi trở về Việt Nam, Anh muốn thăm lần cuối nơi Anh đã có bao nhiêu kỷ niệm thời niên thiếu và trai trẻ. Tôi còn nhớ buổi sáng hôm đó ở khách sạn tại Sài Gòn, tiếng ồn ào của xe cộ làm tôi thức dậy sớm và định chạy lên xuống cầu thang vài vòng để tập thể dục. Vừa bước ra khỏi phòng, tôi thấy bóng anh tôi xiêu vẹo bước xuống cầu thang. Tôi tò mò hỏi, “Anh Hải đi đâu sáng sớm vậy?”  Anh tôi, vốn dĩ đã có tật cà lăm từ nhỏ, lúc này căn bệnh làm Anh cà lăm nặng hơn, trả lời một cách rất khó khăn, “Anh..Anh… đi ..đi…xuống miền Tây, để..để…thắp nhang cho thầy Anh, và ..và.. thăm con thầy Anh...chúng nó…khổ lắm..”  Tim tôi thắt lại, cổ họng nghẹn ngào, nước mắt trực trào ra.. Cố gắng lắm tôi mới hỏi được một câu, “Ai đưa Anh đi?” Anh tôi lại lắp bắp, “Anh..Anh Hòa và..và …anh Lâm Dũng đang tới..” tôi không nói được tiếng nào nữa…chạy ào vào phòng tắm và khóc nức nở...Sao tôi thấy thương và cảm phục anh tôi vô cùng! Tôi xấu hổ nhìn lại mình, tôi khỏe mạnh, tôi lành lặn, nhưng tôi đã không đi thăm một thầy cô nào trong chuyến trở về sau bao nhiêu năm xa quê hương đó. Và lại một lần nữa, anh tôi đã cho tôi một bài học về tình thầy trò và tình yêu thương nhân loại.

Trở về Mỹ, Anh yếu dần đi, nhưng tấm lòng nhân hậu của Anh không h suy yếu. Anh biết mình không còn sống được bao lâu nữa, nên Anh bắt đầu tìm kiếm và mua những món quà lưu niệm cho người thân. Anh lo cho ba mẹ tôi, sửa những hư hỏng trong nhà...Anh lo cho chúng tôi, dặn dò tâm sự đủ điều... Rồi anh lo cả cho bạn của Anh, anh Dương V Cường mới từ Việt Nam sang định cư ở Mỹ (gia đình tôi cứ gọi đùa là anh Cường...Dương, vì người Mỹ họ gọi ngược lại như thế). Nói thiệt là lúc đó, cả gia đình tôi và vợ con Anh đều phản đối việc Anh đưa anh Cường sang San Jose để học lái xe, vì lúc đó sức khỏe anh tôi rất yếu. Vả lại, anh Cường cũng có con cái bên này, nên gia đình tôi rất ngại. Nhưng rồi cuối cùng, anh tôi đã thuyết phục mọi người bằng câu nói, “Anh..Anh.. phải giúp bạn Anh, anh Cường phải..phải.. có bằng lái xe, thì Anh mới..mới... yên tâm..” Chẳng biết anh tôi có giúp gì được cho anh Cường không, chỉ biết là anh tôi và anh Cường suýt chết khi anh tôi đang lái xe chở anh Cường đi chơi, và đâm thẳng vào đuôi một chiếc xe tải!!! Tôi nhớ mãi gương mặt xanh lè và thất thần của anh Cường khi đó, trông thật tội nghiệp!

Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời Anh, những khối u lan khắp trong cơ thể làm Anh đau đớn quằn quại...Y tá phải túc trực tại nhà và cho Anh dùng những loại thuốc giảm đau cực kỳ mạnh, làm tê liệt toàn bộ cơ thể Anh. Anh không còn biết gì nữa, không còn nhận ra người thân, bạn bè... Anh nằm đó, trong ngôi nhà ấm cúng của mình, hoàn toàn bất động.. Và một buổi sáng ngay sau lễ Giáng Sinh, vợ Anh gọi điện thoại cho tôi bảo sang nhà gấp vì thấy anh tôi khó thở. Tôi chạy sang và biết không còn có thể làm gì được nữa, Anh đang hấp hối...Tôi gọi ba mẹ, anh chị, và tất cả con cháu về để kịp nói lời tiễn biệt Anh. Tôi gọi chồng tôi lúc đó đang đi làm, tôi nghẹn ngào nói, “Anh về nhà anh Hải ngay đi....” Chồng tôi không hỏi tiếng nào, chỉ im lặng, và rồi tôi nghe tiếng nấc...lần đầu tiên trong đời tôi thấy chồng tôi khóc...

Đám tang Anh, một lần nữa gia đình tôi lại rất xúc động và biết ơn khi thấy những người bạn thân của Anh và thầy cô từ khắp nơi tới đưa tiễn Anh. Vợ chồng anh Thành, vợ chồng anh Long lái xe vài chục tiếng để tới San Jose; anh Hiệp mặc dầu đang lúc không được khỏe cũng tới tiễn anh tôi; anh Châu dĩ nhiên là bay tới kịp thời để nhìn mặt anh tôi lần cuối dù rằng Anh đang rất bận; và rất nhiều các anh chị thầy cô ở San Jose, ở Nam Cali, và các thành phố khác đã không ngại đường xa tới tận nơi để tiễn biệt anh Tôi... Ai cũng khóc vì tiếc thương anh tôi, nhưng có lẽ người đau khổ nhất vẫn là người sinh thành ra Anh. Tôi không thể quên được hình ảnh ba mẹ tôi lưng còng, đau đớn oằn oại, khi nhìn thấy người ta đưa đứa con đầu yêu quý của mình xuống dưới mồ sâu. Thằng con nhỏ của tôi cũng òa khóc, nó níu tay chồng tôi hỏi, “vậy là từ giờ trở đi, mình không bao giờ được đi câu cá với Bác Hải nữa hả ba?” Bác Hải cũng là thần tượng của chồng và các con tôi.

Năm nào cũng thế, cứ tới mùa Lễ Tạ Ơn, tôi lại thắp một nén hương để cảm tạ Anh vì đã cho gia đình tôi có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Và nhân dịp lễ này, tôi cũng không quên thầm tạ ơn tất cả những người bạn của anh tôi và quý thầy cô đã yêu quý và sống hết lòng với anh trai tôi, trong những lúc khỏe mạnh cũng như lúc yếu đau.

Có lẽ không ai quên được Anh, nhất là những người thân trong gia đình tôi. Chị dâu tôi thương Anh đến nỗi chị để hình hai người chụp chung ở trên mộ Anh, và bao giờ tôi cũng nhìn thấy chị trong bộ đồ đen trong suốt 3 năm nay. Mẹ tôi thì khóc sưng cả mắt mỗi khi nghe ai nhắc tới anh tôi. Riêng tôi, hằng đêm, tôi vẫn nằm mơ thấy Anh về, tươi tỉnh, khỏe mạnh… Trên đường đi làm, nhiều khi tôi bật khóc khi bất chợt nhớ tới Anh. Tôi luôn cầu nguyện cho Anh được bình an nơi thiên đường, nơi không còn những đau đớn dằn dặt Anh nữa, nơi chỉ có niềm vui niềm hạnh phúc...

San Jose, Tháng 11 năm 2013.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Hoa

*Xem thêm về Nguyễn Ngọc Hải

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Và mỗi khi mở trang Trunghocbmt68-75 ta lại thấy lãng đãng đâu đó dáng hình của Hải. Trong những ngày tháng cuối cùng đau đớn đó, Bạn đã kịp để lại cho chúng ta tất cả, bằng tất cả tấm lòng, để nơi này là sợi dây kết nối yêu thương,là bàn tay nâng đỡ, là đôi vai để tựa,là nụ cười ấm áp sẻ chia... Nhớ Ngọc Hải, Cám ơn Hải. Chắc chắn rằng bạn đang rất bình yên, bọn mình sẽ giữ gìn những gì bạn đã trao tặng.(Bạch Trầm)