Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

CHUYỆN CỔ TÍCH CHƯA CÓ ĐOẠN KẾT

Bạch Trầm
       
   Ngày xửa ngày xưa, ở xứ nọ, khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, cây cối bốn mùa xanh tốt...
           Một hôm, có một hạt mầm rơi xuống đất. Vài ngày sau, hạt nảy mầm. Hai chiếc lá xinh xắn như đôi mắt tròn xoe ngỡ ngàng trước thế giới lạ lẫm xung quanh; cái rễ nhỏ nhắn, nhòn nhọn, trăng trắng cũng cựa mình trên lớp đất xôm xốp, âm ấm và đầy bí ẩn. Lá và rễ ngây ngất ngắm nhìn nhau, thủ thỉ cựa mình. Chúng sung sướng chợt nhận ra hình như nửa kia có liên quan đến cuộc sống của mình. Ôi ! Thật mới mẻ ! Thật hạnh phúc ! Lá và rễ thì thầm với nhau những lời hứa hẹn đầy mật ngọt.

         Thế rồi ngày nối tiếp ngày, tháng nối tiếp tháng, năm nối tiếp năm. Lá mỗi ngày một xum xuê, thân cành vươn cao, cao mãi giữa bầu trời rộng lớn. Ngày ngày có nắng gió ve vuốt, có bướm vờn chim hót, lá ước mơ mình được bay cao bay xa. Còn rễ mỗi lúc một cứng cáp hơn, tỏa nhiều nhánh đâm xuyên qua lòng đất với khao khát khám phá và chinh phục mọi ngóc ngách của thế giới bí ẩn. Chẳng bao lâu, cây đâm hoa, những bông hoa rực rỡ ngát thơm; rồi hoa kết trái, những trái non mơn mởn xinh xinh. Một gia đình thật là hoàn hảo với lá cành là bóng mát; gốc rễ là chỗ dựa khiến bao cây khác phải ganh tị.
         Ngày tháng lững thững đi qua, không biết tự bao giờ cành lá và gốc rễ cứ xa dần, xa dần.
         Cành lá vươn cao, tỏa rộng. Nó nghĩ  : “ mình ngày ngày oằn mình giữa trời, phải quang hợp, phải hô hấp, phải phơi mình che mưa chắn gió ... không lúc nào được ngơi nghỉ, lại phải mang nặng nào hoa nào trái; còn rễ cứ nằm lì trong lòng đất không chịu mở mắt nhìn thế giới bên ngoài. Sao mà rễ già nua, lười biếng và lạc hậu thế ? Đã vậy còn bám vào mặt đất,  bám chặt lấy mình, không cho mình thực hiện ước mơ. ” Đôi lúc cành lá muốn mượn bão giông mà bứt mình khỏi rễ.

         Rễ kia len lỏi sâu vào lòng đất, lòng đất mỗi lúc mỗi nhiều sỏi đá khô cứng. Những ngón tay rễ chai sần, có ngón cong queo, có ngón như muốn đứt lìa. Nước, nước mỗi lúc một khan hiếm. Chắt chiu được bao nhiêu nước rễ chuyển ngay cho cành lá. Rễ ngày càng khô quắt, có lúc tưởng sắp đứt hơi. Vậy mà cành lá cứ nhởn nhơ giỡn mây đùa gió. Rễ mệt mỏi vì xung quanh chỉ là bóng tối. Nó thấy cô độc quá ! Nó nghĩ thầm “ hay mình mượn cơn nắng hạn kia không thèm hút nước cho bọn lá cành biết tay ? ” 
không thèm hút nước cho bọn lá cành biết tay ?
        Cả cành lá và gốc rễ đâu biết rằng tự bao giờ chúng đã là hai nửa của nhau.
        Rồi cái ngày nghiệt ngã kia cũng đến. Bầu trời vẫn xanh trong, không khí vẫn mát lành, chim chóc vẫn hát ca rộn rã. Lòng đất vẫn ấm áp, đất xốp âm ẩm, dòng nước ngầm vẫn ngọt ngào. Nhưng, cả cành lá lẫn gốc rễ nhất định không làm cái việc thường ngày chúng vẫn làm. Cây thiếu nước, cành lá úa vàng rũ rượi, những cánh hoa tả tơi trong gió. Rễ không cho dòng nước chảy qua mình, rễ đau lòng khô héo . Đau đớn nhất là quả non bé bỏng,  quắt queo trông như con mắt cụ già tám mươi nheo nheo ngơ ngác không hiểu vì sao đến nông nổi này.
        Câu chuyện chỉ đến đấy. Đến nay vẫn chưa có đoạn kết.
        Thi thoảng, vẫn nghe thấy tiếng gió rì rào đâu đó, hoặc tiếng rì rầm vọng lên từ lòng đất , nghe tiếng được tiếng mất ...
        Người đời thêm thắt một vài đoạn kết cho ra vẻ chuyện cổ tích.
    
              Đoạn kết 1.(có hậu)
         Một hôm, người làm vườn – người đã chứng kiến cây nẩy mầm, lớn lên rồi ra hoa kết quả - ra thăm vườn, thấy thảm cảnh tả tơi, người đau lòng quá, nước mắt rơi xuống gốc cây. Kì diệu thay ! Nghe tiếng rễ thở phào khỏe khoắn. Cây từ từ đứng dậy, cành lá xanh tươi vẫy chào nắng mai, hoa rung những cánh tươi xinh, trái lại no tròn trĩu mọng. Từ đó gốc rễ và cành lá lại bên nhau khắng khít. Chúng nhận ra rằng chúng là hai nửa không thể tách rời, rằng hạnh phúc là cho chứ không phải chỉ có nhận. ( Đoạn kết này chắc phải có ông bụt xuất hiện. ) 
           Đoạn kết 2.( Không có hậu chứ không phải vô hậu)
        Như mọi ngày, chim chóc bướm ong theo thói quen bay đến hát ca nhưng chúng chỉ thấy một cảnh tượng tơi tả. Cây đã chết rũ. Trên mặt đất còn sót lại mấy chiếc lá gió chưa kịp cuốn đi. Quả non héo quắt co ro sợ lũ sâu, cái kiến. Mấy chiếc rễ nằm chỏng chơ trên mặt đất. Gốc rễ, lá cành đâu còn cơ hội nhận ra điều gì nữa.
          Đoạn kết 3. (vô thưởng vô phạt chứ không phải ba phải)
        Có người qua đường, như mọi lần định ngồi nghỉ dưới gốc cây nhưng đến nơi chỉ thấy cây gãy đổ. Vài cái hạt khô khốc vương vãi. Cũng không biết là hạt cây hay đá sỏi nữa.  Khách thầm nghĩ : “ Ối dào, không cây này ta ngồi cây khác, vườn này thiếu gì cây. ”  
    ....
        Còn nhiều đoạn kết nữa, nhưng kết thúc nào cũng cho là mình hay nhất. Chúng cứ cãi nhau hoài. Vì thế câu chuyện đến nay vẫn chưa có đoạn kết.
Lời tác giả: Nghe chuyên cây mà thấm thía chuyện người. Cái tuổi không còn trẻ cũng chưa già lắm, hay cả nghĩ, tủi thân, nhiều lúc giận đời, giận con cháu,  người muốn đi tu, kẻ toan bỏ trốn, người xuống tóc, kẻ giả câm… nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, đời, con, cháu thương còn không hết có đâu mà giận!Kể chuyện này cho cái tuổi U60 nghe cho vui, ai có cao kiến gì xin reply ,kết thúc nào được bình chọn hay nhất sẽ được chia một nửa nhuận bút.
                             BT- 7-2013

Không có nhận xét nào: