Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Vết trường xưa

Viết, sợ rồi sẽ quên...( CTV)
Dấu tích hoang tàn của trường Tiểu họcCộng đồng Hưng Đạo. 
Cổng trường dời vào trong, sát Văn phòng. 
Trường Hưng Đạo (tên đầy đủ là Trường Tiểu học Cộng đồng Hưng Đạo) là trường cấp I công lập đầu tiên của khu Trần Hưng Đạo (dân ở đây thường gọi là khu Ba-toa, do có 1 lò mổ heo ở giữa chợ - Chợ Ba toa). Còn Trường Công lập cấp I thứ nhì (Trường “Ấp chiến lược”) nằm ở khu “Trại Tàu” phía Đền Ông Cảo đi lên đồi khoảng 500 mét. Trường “tư thục” thì có trường “Ông Giáo Thặng”, ”Ông Giáo Vàng” nổi tiếng.
Trường Hưng Đạo là nơi học tập chính cho các cháu người Kinh và người Tày, Nùng trong vùng. Các bạn người Thượng sẽ học tại Trường Tiểu học Sắc tộc Nguyễn Du, cạnh Biệt điện.

Những năm 1960, vùng Trần Hưng Đạo khá đa dạng về sắc dân.
¨         Xa “trung tâm - Chợ Ba-toa” nhất là 3 “Trại Tàu” (là nơi định cư của các người Nùng, Tày di cư từ miền Bắc vào từ 1954, gồm Trại Tàu vùng Thác Nhà đèn, xa nhất; Trại Tàu vùng nghĩa địa Chùa Trong, gần Đền Ông Tựu; và Trại Tàu vùng Đền Ông Cảo, gần nhất).
¨         Kế đến là khu người Kinh, chủ yếu là dân di cư từ phía Bắc vào (dân 54) gồm nhiều khu (xưa gọi là Liên gia)
- Khu Chùa trong (nơi tọa lạc ban đầu của Chùa Phổ Minh bằng gỗ lợp tôn), có nhà Thầy Vũ Văn Sum -thân phụ anh Vũ Tiến Toàn, Bác Vệ, Bác Trương Minh Thi - thân phụ anh Minh Thư, Minh Thắng...
- Khu Chùa “ngoài” + khu Đền Cô Chung (có nhà Bác Đức “đốt”, Bác Liêu, Bá Mẫn, Bá Thành, Cô Tình, Ông Trùm Chuông, Bác Thụ, Chú Chấn, Bác Lý Trình, anh Tưởng lái xe lam...)
- Khu piscine (có nhà Thầy Huy Quang dạy vẽ ngó xuống hồ bơi, Thầy Nhạc dạy Lý), nhà bác Phạn (gia đình anh Đắc Hùng, anh Học, Thắng)
- Khu xóm nhãn (do trồng nhiều nhãn, có nhà Bà Bún) + khu Thăng Long (có tiệm làm cà rem Thăng Long, gần nhà Thấy Bách, anh Bật, chị Khuê, anh Bùi Trung Anh...)
- Khu Ty Mục Súc (có nhà người đẹp Đoàn Thị Hậu),
- Khu Ba-toa (có nhà Bác Chí Y tá, Bá Chấp, Bác Tư Nhài, Ông Quản gầy, Ông Quản Truyền, Ông Lý Khải, Bác Nhuệ - gia đình anh Dương Đức Nhuệ, Dương Đức Tam - quán Bà Trạch, quán Ông “Xập nhì”, Ông Mười mổ heo...) cùng Nhà thờ của Giáo xứ Hưng Đạo.
- Khu Ty Canh Nông (sau Lao xá, gần Tiểu Khu...) là triền đồi ngó xuống “hồ trên” có nhà anh Kình cà rem, anh Nghi lùn, nhà Bà Chi, nhà Cô Minh đực... Nhà Bá Viện, Bá Tình lúc xây chùa mới cũng dời về đây.
-     Ngoài ra còn có 2 xóm người Thượng (Ê-đê), một ở đầu ‘hồ trên”, gần nhà Ông Ẩm (thân phụ anh Hồng “méo”, anh Nghi “lùn” đối diện Đền Cô Chung...) một ở sau Trung tâm Tuyển mộ nhập ngũ (trên ngọn đồi đối diện với nhà Thầy Nhạc, chị Phương Huệ, anh Nam Hùng)
Ba “Trại Tàu”, khu Chùa “trong” & khu Chùa “ngoài” và một phần Xóm nhãn sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng rau (giống như vùng Suối Đốc học vậy) hoặc nuôi heo, làm đậu khuôn, làm bún. Các khu khác thì thường là gia đình binh sĩ, công chức hay buôn bán nhỏ lẻ, có 1 số nhà làm kẹo kéo đậu phộng. Nói chung, khu Hưng Đạo là vùng nghèo thuộc loại nhất nhì thị xã. Khu Hưng Đạo lại khá “nổi tiếng” với sự có mặt của anh Thanh “lùn”, anh Toán khoèo, anh Quang “cụt”, anh Đắc Hùng ‘cụt”, anh Khoa ‘mập”, anh Khoa “dím”, anh Điền, anh Chung Cấn... cùng một đám lau nhau ăn theo. Chính đám lau nhau này lại hay làm mất uy đàn anh do ưa chặn đường trấn lột hoặc gây sự đối với dân “phố” khi số này xuống tắm tại “hồ Ông Tỉnh”.
Giữa Văn phòng và dãy phòng học này xưa có đặt 1 bàn pingpong
Trường Hưng Đạo là một trường nhỏ tí, nghèo xơ xác với khoảng 15 phòng học vách ván, mái tôn, nền ximăng, gồm 5 khối lớp (Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất), mỗi khối lại chia thêm thành lớp A, B,... học sinh Tày Nùng học chung lớp với học sinh Kinh (Bắc 54 là chính). Chương trình học cũng như các trường khác: Đức dục (Công dân giáo dục), Quan sát (sau này lên Trung học gọi là môn Vạn vật), Toán, Việt Văn (trước có học cả Quốc văn giáo khoa thư, sau đó là Tân Việt văn), Sử ký, Địa lý, Thể dục, Thủ công, Kỹ thuật - chủ yếu là nông nghiệp. Khoảng 1965-1968 có cả sách “Em tập tính tốt”, “Em bé tôi” cho phần Công dân giáo dục nữa. Mỗi giáo viên dạy một lớp sáng & một lớp chiều (dạy tất cả các môn), học sinh chỉ học 1 buổi, buổi còn lại đi ... bắt dế, bắn chim, bắn bi, hớt cá, làm vườn, làm rẫy hoặc đi làm linh tinh kiếm sống.
Trường có nhiều khu vui chơi rất tuyệt vời (ít nhất là đối với lứa tuổi lên mười) như sân banh (cả trường có duy nhất 1 trái banh da te tua), khu hầm bí mật, hàng cây hoa Đại, sân đất đỏ (khoét lỗ bắn bi hay chơi nắp keng chọi lô...) rất đã và cả suối bà Kền trước mặt nữa. Mỗi khi mưa lớn thì khỏi học (do mái tôn ồn quá), học sinh nhào ra tắm mưa trên sân lầy đất đỏ... Mãi sau này trường mới có đồng phục áo trắng quần soọc xanh/quần dài đen (nhưng chỉ mặc vào Thứ Hai chào cờ), trước đó thì mặc sao cũng được; có gần nửa lớp đi chân không đi học nữa kìa. Khoảng năm 1965-1966, trường Hưng đạo mới có máy “u-bẹc-lơ” phát nhạc vào giờ ra chơi qua cái loa bằng sắt to đùng, có mi-cờ-rô để Thầy Hiệu Trưởng nói “cái gì đó” vào buổi chào cờ. Gọi là nói “cái gì đó” bởi nó cứ rè rè, tậm tịt có nghe được cái gì đâu. Có một thời gian ngắn, học sinh còn được uống “sữa Mỹ” tại cổng trường rồi mới vào lớp, đôi khi có cả nửa ổ bánh mì + sữa bột nữa. Phòng học được trang hoàng theo từng tổ (lúc đó gọi là toán). Khu trang hoàng riêng biệt cho từng toán ở trên tường, được dán đầy giấy “xúc-xích”, hoa xanh đỏ, bài viết bài vẽ màu mè hoặc cả hình thủ công như trái chuối, cái hộp, con chim, con kỳ lân nữa.
Văn Phòng (phòng bên trái) + Thư viện (bên phải) nhỏ xíu
Tuổi nhỏ ham chơi, ít khi để ý đến Thầy Cô, chỉ nhớ đã từng học với Thầy Cát (lớp Năm, lớp 1 bây giờ), Cô Nhạn (lớp Tư)... Thầy Trương Công Trứ (lớp Nhất).
Hiệu Trưởng trường trước là Thầy Chu Duy Thiều, rồi đến Thầy Trương Công Trứ (khoảng 1968), cùng các Thầy Cô khác... các anh chị, các bạn có ai biết hiện giờ các Thầy Cô ra sao ? Năm mươi năm trôi qua... những người muôn năm cũ ở đâu bây giờ...
Bác Uẩn (gác-dan) kiêm giữ kho nông cụ (cuốc cào xẻng thúng...) nghe nói cũng đã mất lâu rồi.
Thương hải tang điền, ngôi trường ngày xưa giờ đã giải thể, toàn bộ học sinh tứ tán về các ngôi trường mới xây sau đó. Các Thầy Cô xưa lưu lạc không biết nơi nào.
Ngôi trường cũ được chia cho một số người mới đến (có một số là giáo viên cũ) để ở. Nói chung, so với 50 năm trước, những căn hộ “mới” này chẳng khang trang hơn được là bao. Một cảm giác hụt hẫng đến nhói lòng khi nhìn lại vẻ lở lói của toàn bộ khu trường (giống y như vẻ lở lói của toàn bộ 2 cái hồ khu piscine ngày xưa). Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh... làm gì còn có nữa.
Cây Quay trước lớp, cây Xoài "đê" cổ thụ to đùng (đầu sân banh, gần hầm bí mật) cũng không còn. Cây Bằng lăng ngay trước sân banh cũng mất tiêu. "Hầm bí mật" giờ không còn dấu vết dù chỉ 1 gốc tre. Hàng cây Đại cũng mất dấu gần hết... Có còn chăng là những vách ván bằng gỗ dầu, dày ngót 2 phân đóng ngang làm tường lớp giờ cũng bạch phếch, mủn dần theo thời gian, còn chăng là những mái tôn gỉ sét úp lên các khung nhà gỗ xiêu vẹo, chông chênh.
Các anh chị cũ Lê Chân Long, anh Đoàn Đình Năm, Lê Thị Trung Trinh, Dương Đức Nhuệ, Dương Đức Tam, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đắc Lộc, Kình, Lê Văn Nghi, Phạm Ngọc Nhân, Nguyễn Văn Hùng, Nam Hùng, Phương Huệ, Trương Minh Thư, Minh Thắng, Cấn Đình Chính, Cấn Đình Chủng... hôm nao dừng bước giang hồ, về xem trường cũ, hỏi mình buồn không.
Trường Hưng Đạo đã giải thể, các phòng học chia cho người ở
Tạp ghi thêm
Nghe mấy người già kể lại rằng, hồi mới di cư vào đây có một ông thầy địa lý người Tàu đã xem thế đất từ khu hồ Lao (của lao xá, Nhà đày BMT, Trung tâm cải huấn sau này) đến đền ông Cảo (Khu Dưỡng ngư) và cho rằng toàn khu này âm khí quá nhiều, không thể nào vượng được; muốn khá hơn, dứt khoát phải rời bỏ thế đất “đuôi con bọ cạp”, yết vĩ, ngô công vĩ gì gì đấy thì mới hy vọng ăn nên làm ra.

Khu đồi trước cái “hồ trên” ngày xưa vốn là 1 nghĩa địa mênh mông dành cho các tù nhân thuộc Nhà đày BMT và phu cao su (thuộc Ty Canh nông thời ấy); những năm 70 khi đào giếng, san nền vẫn còn thấy hài cốt vương vãi. Khu đền Cô Chung ngó qua đồi bên kia là khu Lao xá, (ngay gốc cây ổi sau nhà gia đình anh Trương Minh Thư, Minh Thắng ở một thời gian) còn cả 1 lô 1 lốc nón lính thời Pháp vỡ nát lẫn lộn với vài khẩu “mút-cơ-tông” gãy rời, hoen gỉ… Có lẽ vậy chăng, nên cả xóm Hưng Đạo vẫn cứ mãi chìm trong vẻ u u, buồn buồn, thảm thảm suốt cả 50 năm qua. Nếu quả như vậy, ngôi trường Hưng Đạo tàn lụi cũng là điều dễ đoán.
 Ngôi trường Hưng Đạo tàn lụi cũng là điều dễ đoán.

3 nhận xét:

Y Thương nói...

Bài viết mang cả một thời ký ức ấu thơ BMT đến đánh thức tuổi già xa quê.
Cám ơn tác giả. Viết sử BMT đi. Tôi ủng hộ việc xuất bản.

xp nói...

Nhìn ảnh tác giả trong bài, muốn "nện" cho hai xị rượu quá!

Nặc danh nói...

Bai viet hay.
Xin cho biet quy danh cua tac gia. Biet dau not ngay nao do minh se gap nhau ... (xin loi khong bo dau).

DDN