Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

KỶ NIỆM

  Tặng các thầy cô Trường TH Tổng Hợp BMT nhân ngày Nhớ ơn Thầy

Ngày còn bé tôi đã đọc ở đâu đó một câu viết như thế này : Kỷ niệm thời tuổi trẻ là cái gối êm ả cho chúng ta khi về già. Thấy hay hay nên tôi ghi nhớ nhưng không hiểu lắm. Đến khi mái tóc đen đã nhuốm bạc, nhiều đêm gối đầu lên kỷ niệm, thả hồn trôi về quá khứ rồi ngủ một giấc thật êm đềm. Đơn giản như vậy thôi, tôi cũng cảm thấy mình hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì đã chung một ngôi trường kỷ niệm với các bạn, tôi hạnh phúc vì được làm học trò của các thầy cô mình. Dù ngày hôm nay tôi không phải là người thành công , nhưng từ quãng đời đó tôi đã lớn lên, làm người và biết cảm nhận cuộc sống với đầy đủ những ý nghĩa của nó.


Phạm viết Sơn(Autralia), Lê Hoàng Sinh (BMT), Thầy Nguyễn Giõng(Australia), Huỳnh Nghị, Phạm Văn Long, Nguyễn Thái Minh, Phạm Anh Tuấn(BMT), Ng Minh Bằng(BMT), Trần Sinh, Cung Trọng Ngân (BMT)
             
             Ngày ấy đám tụi mình chỉ là những cô bé cậu  bé còn ngây thơ, thầy cô thì tuổi đời  rất trẻ. Thầy trò mình có chung một tuổi trẻ phơi phới xuân xanh, một trái tim nồng nhiệt và sôi nổi. Đó là quãng thời gian tươi đẹp nhất của một đời người, mãi làm sao quên.Tôi nhớ năm lớp 7, giảng bài phương trình bậc nhất xong cô  Thủy nói : “có 50 bài tập đang chờ các em”. Thoạt đầu tôi nghĩ là tai mình nghe lộn, chắc là 5 bài. Nhưng sau đó cô cho đúng 50 bài tập (tôi không nghe lộn một chút nào). Tuy thời gian cô cho đem về nhà cũng xa, nhưng không chỉ giải bài tập, còn phải trình bày rõ và gọn gàng. Tất cả các dấu bằng phải nằm trên một đường thẳng, dấu gạch ngang phân số phải nằm giữa hai dấu bằng. kết quả x = phải đóng khung. 50 bài tập đó,  tất cả các dấu bằng và dấu gạch phân số  tôi đều kẻ bằng thước. Mãi đến bây giờ  kiểm tra vở  toán của đám nhóc ở nhà tôi vẫn nổi giận khi thấy các dấu bằng  không thẳng hàng.(hiệu ứng mà )



                Tôi nhớ năm lớp 11, thầy Đại Hiền  kể cho cả lớp nghe một bộ phim  khoa học giả  tưởng, phim đang chiếu ở rạp Thăng Long. Kể xong thầy kết luận :” các em nên đi xem đó là một phim bổ ích, dành cho những người  trí thức”.Cả lớp ồ lên :” tụi em mà trí thức gì thầy”. Thầy la :” tại sao các em nghĩ vậy, các em là những người được ăn học, là học sinh, là những người trí thức”. Bao nhiêu cái miệng ở dưới lớp đều toét ra cười (hơi ngô ngố một chút):” Vậy hả thầy, tụi em cũng là người trí thức hả thầy”. Nhưng thầy mình nói thì phải đúng rồi, làm sao sai được. Từ đó mỗi khi viết hai chữ nghề nghiệp: học sinh ,tôi và bạn bè đều cảm thấy có chút tự hào (lại hiệu ứng nhỉ).
               Tôi nhớ hội xuân năm lớp 9, thầy Giõng mặc áo dài the khăn đóng trong lễ khai mạc theo cổ truyền. Mấy đứa con gái bu lại  khen :” thầy ơi thầy mặc áo dài  the  khăn đóng đẹp quá, giống” Tuấn chàng trai nước Việt.” Thầy cũng vui vẻ : “tụi bây chọc thầy chớ đẹp cái gì”.  Đến giờ sinh hoạt  thầy đàn và hát cho cả lớp nghe bài Ảo ảnh. Đó là lần đầu tiên  nghe nhạc của Y Vân nhưng  tôi đã rất thích. Dẫu chưa nhẹ bước vào tình yêu, tôi vẫn như cảm được nỗi buồn của của một cuộc tình mà mãi mãi chỉ là ảo ảnh. Sau này  nghe nhạc tôi vẫn chọn những nhạc phẩm của Y Vân,  đến bây  giờ vẫn vậy…
Thầy Đặng Đương (Bố Đương)
                Tôi nhớ cô Suối Kiết và cô Ngọc Cầm dạy Văn năm lớp 6 , lớp 7. Cô Suối Kiết khuyến khích cả lớp viết nhật ký.  Cô bảo đó là một cách luyện văn. Tôi và nhỏ bạn thân tập viết nhật ký từ đó, nhật ký mà còn trao đổi cho nhau coi,  rồi nhận xét, góp ý và bổ sung nữa chứ, đúng là con nít. Cô ngọc Cầm thì  bắt mỗi đứa làm một cuốn “ Tôi đọc sách”. Trong đó có thể trích những đoạn văn hay,nhạc hay hoặc những câu châm ngôn .Tụi mình tha hồ sưu tầm, ghi chép và trang trí thật đẹp. Mới đầu chỉ để cô chấm điểm, dần dần tôi và các bạn rất thích  giữ gìn như tác phẩm của mình vậy.

                Tôi cũng nhớ những giờ Công Dân với thầy Đặng Đương, cứ xe 1, xe 2, xe nào đi đúng , xe nào đi sai. Tôi và nhỏ bạn đã rình theo, coi thử” Bố “đi xe đạp có đúng” luật đi đường không?". Nhớ thầy Nam với nét chữ rất đẹp , ngay cả khi thầy cho tôi con zero nó cũng rất tròn trịa và xinh xắn. Nhớ thầy Vĩnh tuy vóc dáng gầy gầy thư sinh nhưng  giọng thầy giảng bài rất to và sang sảng. Tôi cũng sợ môn nữ công với cô Đào Nguyên vì vụng về thêm lười may vá, nhưng lại mê những giờ vẽ của thầy Quang, vui nhất là những giờ ngoại khóa thầy cho cả lớp ra ngoài vẽ phong cảnh…Và  nhớ nhiều thầy cô khác nữa trong suốt 7 năm làm học trò Tổng Hợp, còn thật nhiều kỷ niệm. Tôi thì không chán kể đâu nhưng chắc các bạn  đã chán đọc rồi…

Chụp hình kỉ niệm lớp của thầy Hoàng Trọng
              Cuốn” Tôi đọc sách” tôi cho ông anh họ mượn , đọc xong  anh  vô tư chuyền cho đám bạn, và có tên nào đó cuỗm luôn không trả làm nhỏ em khóc mất mấy ngày. Học vạn vật với thầy Nguyễn Sỹ Đính, tôi cũng bắt chước thầy hái hoa, lá và bướm nữa về ép đầy một tập vở. Đứa em năn nỉ mượn đi chấm điểm thủ công rôi làm mất luôn. Quyển album tem  tôi cùng hai nhỏ bạn T.L và T.N.N mày mò trao đổi mấy năm trời cũng đi theo một vị khách không mời. Đó là cái cách mà những kỷ vật lần lượt ra đi, từ Nhật ký, Lưu bút,  Đặc san  đến Kỷ yếu cũng không còn…
                Kỷ vật ngày xưa  tôi làm thất lạc hết rồi nhưng kỷ niệm cũ tôi vẫn lưu giữ trong tâm trí, đó là những thứ mà không ai có thể lấy được của tôi.Tôi thích ghi lại khi còn nhớ được vì sợ sau này mình sẽ quên. Đến một tuổi nào rồi ta cũng sẽ quên , quên mãi mãi….
                      
                                                                                         LÊ  KHUYÊN
                                                                                      Tháng 11 năm 2012

2 nhận xét:

BT nói...

Bạch Yến con nhớ rõ nhiều kỷ niệm hồi đó ha. Còn nhiều hình ảnh cũ nữa. Viết thêm nữa nhe bạn.

Nặc danh nói...

BT thân mến,hình ảnh là của Lâm Dũng lưu trữ và trình bày, phù hợp với nội dung phải không? vậy mình và BT ghi điểm cho LD nhé
LK