Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Thơ và Hoa - Nguyễn Thủy Nam


Tác giả tại hội hoa Xuân 2012
Saigon

           Nguyễn Thủy Nam

Từ ngàn xưa, theo truyền thống văn hóa dù ở đông phương hay tây phương, mỗi lần có những lễ hội dân gian, các nghi lễ tôn giáo hay đón mừng Lễ Tết
đầu năm, hoặc ngay trong những dịp vui buồn hôn, tang, quan, tế… xảy ra trong đời sống, người ta không thể thiếu các loài hoa. Nói khác đi, muôn hoa luôn hiện diện, thiết thân, gần gũi với đời sống con người mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống vui buồn của đời người.

Trong ý nghĩa ấy, nhân dịp xuân về Tết đến, Nguyễn Thủy Nam xin mời các bạn và các em, cùng dạo bước qua vườn thơ muôn màu của trăm loài hoa cỏ, nở rộ khắp chốn đất trời, mừng đón chúa xuân; đồng thời qua đó, thầy cũng muốn thân ái trao tặng đến các em một bó hoa tươi thắm, đầy hương sắc, thay cho một lời chúc tụng nồng nàn, gửi đến các em trong những ngày đầu xuân mới… 
 Nếu người xưa chia bông hoa ra làm nhiều hạng: nào là vương giả chi hoa như hoa lan, hoa quỳnh; phú hào chi hoa như hoa hồng, hoa đào, hoa mẫu đơn, hoa thược dược; quân tử chi hoa như hoa sen, hoa mai, hoa cúc và dân dã chi hoa như bông vạn thọ, bông sim, bông lài, bông trang, bông súng… thì trong kho tàng thi văn nhân loại nói chung và của VN nói riêng, chắc chắn chúng ta đã hơn một lần được dịp thưởng thức, say sưa với những loài hoa tươi thắm đó, qua những vần thơ, điệu nhạc, kết hợp thành một lẳng hoa lung linh, rực rỡ muôn hồng nghìn tía, luôn cần mẫn và lặng lẽ, dâng tặng biết bao hương sắc cho đời.
Trước hết, xin mời quý vị thong dong dạo bước bên những ao hồ quen thuộc của đất nước VN chúng ta, từ bắc chí nam, qua miền thùy dương thơ mộng, bạn có thấy chăng: khi sắc xuân vừa nhạt phai và khi nắng hạ bắt đầu nồng nàn, nhuộm vàng lên cảnh vật, thì những búp sen nho nhỏ, thanh tú đã từ từ nhô lên giữa muôn trùng sóng nước hồ xanh, lặng lẽ tỏa hương thơm tinh khiết, phô màu sắc dịu dàng tươi thắm:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
                                (Ca dao)
Bành Ngọc Xuân còn muốn so sánh bông sen tinh khiết bình dị kia với công phu tu học lẽ đạo nhiệm mầu:
Hồng hồng bạch bạch thủy trung liên
Xuất tự nê trung sắc chuyển tiên.
Hành trực ngẫu không bồng hựu thực
Tu hành diệu lý khắp như nhiên.
Nguyễn Thủy Nam dịch ra như sau:
Sen hồng sen trắng nở trên hồ
Nhú tự bùn tanh sắc thắm phô.
Ngành thẳng, ngó không, gương khảm hạt
Tu hành lẽ đạo khác chi mô!
Ngày xuân tháng Tết, đất nước VN thân yêu của chúng ta không thể thiếu mai đào:
Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi
Trên đường rộn rã tiếng đua cười.
Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy
Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.
                  (Thế Lữ - Giây phút chạnh lòng)
Và:
Xuân về em có về không
Nhành mai cố quận nở bông diệu kỳ.
                             (Bùi Giáng)

Nhưng đối với Mãn Giác thiền sư đời Lý, thì hoa mai  không chỉ đơn thuần là một cành hoa xuân: hoa mai trong bài kệ của thiền sư, còn mầu nhiệm, còn ý vị triết lý hơn, vì nhành mai nở muộn trong tiết xuân kia, theo thiền sư, chính là sự chứng đắc, liễu ngộ được cái bản lai diện mục, cái Phật tâm của các bậc tu hành:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Ngô Tất Tố đã dịch ra như sau:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.

Xuân tượng trưng của Miền Nam VN vàng tươi hương sắc bông mai, thì biểu tượng xuân Miền Bắc VN rực rỡ, nồng nàn thắm sắc hoa đào:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Và:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa.
Bao nhiêu người năm cũ 
 Hồn ở đâu bây giờ?

              (Vũ Đình Liên - Ông đồ )
Hoa đào thường được những chàng thi sĩ trẻ tuổi, đa tình ví von với những nàng xuân nữ xinh tươi, như bài thơ sau đây của thi nhân Thôi Hộ đời Đường:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
               (Đề tích sở kiến xứ)
Mà Nguyễn Du đã dịch thoát 2 câu thơ sau trong Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, một cách tài tình đầy sáng tạo:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Với Nguyễn Trãi thì hương sắc hoa đào tươi thắm luôn tô điểm, làm sống động rực rỡ nẻo xuân vui:
Một đóa hoa đào khéo tốt tươi
Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười.
Đông phong ắt có tình hay nữa
Kín tiễn mùi hương dễ động người.
                                          (Hoa đào)
Với Cao Bá Quát, thì hoa với thi nhân luôn dịu dàng, thiết tha như một thoáng hương bay từ một chút tình tri kỷ:
Tình khách bâng khuâng mấy dặm trường
Mai tàn sen đã ngát mùi hương.
Màu thu vườn cũ nay sao nhỉ
Hoa lạnh nơi này đã cợt sương.
                 (Hoài cảm)
Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tỏ ra tâm đắc với hương đêm dịu dàng, quyến rũ của một đoá quỳnh hoa thì với Nguyễn Đăng Trình, hoa quỳnh nở muộn trong vườn sương, thiết thân như 1 mối chia sẻ chân tình, với biết bao ấm lạnh, thay đổi, mất còn của tình người, của thế nhân:
Nửa đêm hoa quỳnh nở
Gửi chút hương cho đòi...
Nửa đêm em làm vợ
Sưởi chút ấm cho tôi!
Sáng ra hương tan mất
Sáng ra tình pha phôi.
Đời người hư hay thực
Thoáng hương em đâu rồi?
            (Hương quỳnh)
 Người đời thường nói: bông phù dung sớm nở tối tàn. Như vậy, hoa phù dung là tượng trưng cho cái đẹp mong manh, dễ vỡ, dễ thay đổi, dễ tàn phai... như nhà thơ Đặng Thanh Hương đã quan niệm:
Ru em câu hát ngày xưa
Đóa phù dung hỡi bây giờ nơi đâu?
Mười năm câu hát còn đau,
Vườn xưa hoa vắng, lá nhàu bước chân.
Người đi hứng gió bụi trần
Cây phù dung đã mấy lần ra hoa
Em về nhặt tháng ngày xa,
Nhặt luôn câu hát ươm qua nỗi buồn...
                        (Hoa phù dung)

Và, những cánh bông phượng tươi thắm, nở đỏ rực cả  một góc trời hè, khắp mọi miền đất nước VN. Phượng nở vào đầu mùa hạ, cũng là mùa thi cử, và cũng là thời điểm bắt đầu cho 3 tháng nghỉ hè sôi nổi, rong chơi sau một thời gian dài miệt mài học tập. Do đó, loài hoa tươi thắm này còn mang một cái tên rất hiền hòa, rất dễ thương: ”Hoa học trò”
Gửi em chùm bông phượng nhỏ
Lửa cháy từ mặt trời hè
Tháng sáu vui buồn thi cử
Sân trường vang rộn tiếng ve...
Và:
Phượng nở đầu mùa ly biệt
Nghiêng nghiêng vành nón học trò
Trên mái tóc thề xanh mướt
Và xanh, xanh thẳm trời mơ...
   (Nguyễn Thủy Nam: Chùm bông phượng trong trí nhớ)
Hay:
Chợt nhớ triền miên khúc nhạc ve,
Trời xanh thăm thẳm gọi trưa hè
Gió nam thổi dạt cành bông phượng,
Sông một dòng xuôi chẳng trở về.

Thành phố bừng lên vạt nắng hồng
Muôn nghìn lửa hạ nớ tươi bông.
Hoa kia tô thắm màu môi lụa,
Tà áo qua sông cò ngại ngùng?
(Nguyễn Thủy Nam: Thành phố bông phượng đỏ và nỗi nhớ)
Ta còn thấy hoa phượng bay lãng đãng, phiêu du với ngày tháng, với một chút tình si; khi tha thiết, đắm say khi ưu phiền, nặng lòng ly biệt, nhưng bao giờ cũng êm ái, dịu dàng, với niềm vui nỗi buồn tuổi học trò:
Hoa rong chơi từ thu năm ngoái
Hôm nay nghe phố gọi rủ nhau về.
Gió đã mở, nắng đã vàng đã chín,
Hồn đã say, chân đã bước đinh ninh.
Trong ngất ngây ai cuối phố đợi mình,
Ai hát nữa, điều gì thao thức lạ,
Hoa khờ dại cháy mình trưa nắng hạ
Để thu về tan tác cả lòng ai?
 (Nguyễn Thị Hoài Thanh: Hoa Phượng)

Chắc các bạn cũng không quên tâm tình tha thiết của chàng trai trên lối về quê cũ, thấy lòng bâng khuâng bên những rặng đào, ươm nở màu xuân và dưới giàn tường vi xưa, luôn vang vọng những điệu buồn chia phôi, ly biệt qua bài hát Cô Láng giềng của Hoàng Quý, thì với Xuân Quỳnh, những đóa tường vi nhiều màu sắc ấy, đã theo nhà thơ, đi cho hết một mùa trăng thơ dại, qua những ngày tháng thăng trầm, lao đao, trôi nổi của phận người:
Trắng với hồng và tim tím nhạt
Tựa màu mây phiêu lãng cuối trời xa,
Hoa tường vi như thực như mơ
Cùng tôi sống một thời thơ dại...

Hoa phảng phất mối tình trong truyện cổ
Mang lỡ lầm oan ức đã xa xôi
Hoa tường vi thời trẻ dại của tôi
Bên mái rạ một mảng vườn hẻo lánh...
Tôi có hoa bè bạn bên mình
Hoa hiểu cả những điều tôi chẳng nói.

Tôi đã qua bao thác ghềnh đá núi,
Qua thời gian, tóc thoáng sợi màu mưa
Hoa tường vi của những ngày xưa
Tôi vẫn nhớ một màu mây phiêu lãng...
                         (Hoa Tường vi)
Có  một loài hoa mang 2 tên gọi khác nhau: miền Bắc thì là hoa đại, miền nam bình dân hơn, có tên là bông sứ... Loài hoa quen thuộc nơi đình miếu, chùa chiền vô cùng dân dã ấy, ai có ngờ đâu, đó là một loài hoa vương giả, cao sang vì gốc gác tên gọi của hoa này, là tên của cả một dân tộc, từng bao phen nổi tiếng oai hùng trong lịch sử: Champa, loài hoa thiêng biểu tượng của muôn xưa đất nước Chiêm Thành:
Em thở thơm tho lượng đất trời
Mắt môi ngời ngợi nét xuân tươi.
Vườn hương rực sáng em như ngọc,
Cành lá giao hòa nhịp gió vui.

Năm cánh tinh khôi mượt lụa là
Vàng tươi sắc đọng giữa bông hoa.
Xanh um tầng lá lùa sương biếc,
Mây tím chơi vơi bóng nguyệt tà...
Và:
Đơn sơ năm cánh dáng hoa hiền
Hương nhẹ âm thầm nở giữa đêm.
Nhắn gửi xa xôi về xứ tuyết:
An nhàn sinh nhật, giấc mơ tiên...
(Nguyễn Thủy Nam: Plumeria)
Cũng những cánh bông sứ tỏa hương thơm dìu dịu êm đềm ấy, nhà thơ còn muốn ngụ ý kín đáo, qua những nét tâm tình đậm nhạt, vui buồn của thế nhân:
Vườn nhạt nắng chiều mây trắng bay,
Gió đưa bông sứ rụng... rơi đầy.
Hoa kia dành tặng người tri kỷ
Hương thoảng dài lâu, chớ nhạt phai!
 (Nguyễn Thủy Nam: Bông sứ Úc Châu 1)

Và:
Ô kìa! Bông sứ rụng
Thoang thoảng chút tình thơ,
Hương bay tràn cõi mộng
Buồn vui cũng nhạt nhòa!

Ô hay! Đường xa ngái
Bông rụng vào hư vô…
Hương phai tàn cõi mộng
Tàn cả chút tình thơ!

Tìm nhặt bông sứ rụng
Não nề lòng biển dâu!
Nghìn xưa ru cõi mộng,
Hương thừa bay về đâu?
(Nguyễn Thủy Nam: Bông sứ Úc Châu 2)

Trong cuộc đời, rồi sẽ còn ai, có ai đem lòng thương cảm cho một loài bông nhỏ, khiêm tốn nép mình trong khu vườn xưa, âm thầm nở bông giữa đêm trăng khuya khoắt, tỏa hương dịu dàng thơm mát. Và cũng như bông lài, bông sói, bông sen… bông ngâu thường được người ta ướp hương những chén trà xanh bốc khói, để sưởi ấm lòng nhau, trong những buổi sớm mai lành lạnh chớm đông về:
Những bông hoa nho nhỏ
Chỉ có chút hương đêm.
Ăn vào trong kẻ lá
Như mối tình lặng câm.

Vượt qua tháng, qua năm
Vượt qua đồi, qua suối
Bỗng gặp một mùi hương...
Mùi hương không hẹn trước
Tình yêu đến bất ngờ.

Em đâu biết bao giờ
Mùa hoa ngâu ấy nở
Anh như cây đàn khóa
Sợi dây còn ngân vang.

Em đi hết lòng em
Lại gặp lời hát đó.
Hoa ngâu ở nơi nào
Em cũng không biết nữa
Em chỉ biết tình em 
Như ngâu vàng vẫn nở.
   (Xuân Quỳnh: Bao giờ Ngâu nở hoa)

Nói đến loài hoa antigone chúng ta không thể không nhớ đến huyền thoại thi ca TTKH. Nhớ đến TTKH không phải chỉ vì bà là nữ sĩ đầu tiên và độc nhất nhắc nhở đến loài hoa tim vỡ ấy mà còn vì giá trị nghệ thuật tuyệt vời của mấy bài thơ ít ỏi của bà: Hai sắc hoa Ti gôn, Bài thơ thứ nhất, Bài thơ đan áo . Bài thơ cuối cùng.
Nhà thơ nữ với chân dung và hành trạng bí mật cũng như câu chuyện tình bi đát, thắm đẵm màu hoa máu ti gôn đã trở thành một huyền thoại thi ca VN, để lại trong lòng khách yêu thơ nhiều thế hệ, những nghi vấn bí ẩn trùng trùng, đã hơn 8 thập niên qua chưa có lời giải đáp:
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương cát
Tay vít giây hoa trắng cạnh lòng.
Và:
Nguời ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng thế thôi.
Hay:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi người ấy có buồn không/
Có thầm nghĩ đền loài hoa vỡ
Tựa traí tim phai, tựa máu hồng...
             (TTKH: Hia sắc hoa Ti gôn)
Những bông hoa sim tím, tím ngắt trên đồi quê, loài hoa đã gắn liền với tình yêu đầu đời, phiêu lãng như một áng mây xa, mang theo hạnh phúc phù du của chàng thi sĩ, với những vần thơ đã làm say mê, thổn thức biết bao thế hệ:
... Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Nàng vá cho chồng chiếc áo ngày xưa...
Hay:
Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt...
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu!
  (Hữu Loan: Màu tím hoa Sim)

Người ta cũng đã bỏ nhiều công phu thuần dưỡng một loại hoa rừng, để đem về phố thị những cánh hoa bằng lăng, những cánh hoa tím buồn rưng rưng trên phố hạ; hoa bằng lăng kia mang vẻ đẹp mơ màng, hoang dại, nhưng cũng không kém vẻ yêu kiều, tha thướt, dễ làm say đắm và rung động lòng người nơi phố thị ngược xuôi:
Góc phố nhỏ hoa bằng lăng đã nở
Tím ngát một chiều, nắng hạ còn vương…
Sắc bằng lăng cuối mùa bàng bạc
Tóc chúng mình cũng phai theo thời gian…
Hoa bằng lăng sao tím lỡ làng
Nở hết cả góc trời nhức nhối!
Cái thuở ban đầu bối rối
Dại dột vin màu hoa thủy chung…
Đoạn đường ngắn kia đi chẳng tới cùng
Tình bé bỏng, bằng lăng hoa mỏng mảnh…
                           (Bùi Kim Anh; Bằng lăng)

Những mùa nước nổi chơi vơi, mênh mông bát ngát giữa trời đất phưong Nam, dân quê miền Nam tìm hái những chùm bông điên điển, đong đưa theo gió đồng chớm lạnh đấu mùa, những chùm bông vàng hây hẩy, với vẻ đẹp đơn sơ, dân dã đó được người ta chế biến thành những món ăn quê mùa, chất phác, mang hơi hướm thân thương của biết bao gió nội hương đồng:
Tôi biết có nồi canh điên điển
Cá bông lau, đậu bắp mỡ hành.
Em ngậm cái màu bông chín nỏn
Thẹn thùng không nói đuợc tiếng “Anh”
Bông điên điển trên sông xưa lắm
Mùa nước lên tôi nhớ Tháp Mười.
Bông điên điển trên sông vàng lắm
Tôi thả tình bèo dạt hoa trôi.

Bông điển điển trên sông xưa lắm
Em chèo ghe tôi hái trộm về
Trời giận nên làm con nước lớn
Lụt tháng mười em mất bến quê…
Đâu biết cả nồi điên điển luộc
Ăn thay cơm trên sóng thủy thần.
Em ngậm cái màu bằng nước mắt
Kỷ niệm buổn như một tiếng anh…
                       (Bùi Chí Vinh: Bông điên điển)
Cũng là một loài hoa dại, cánh vàng ươm rực rỡ, có mùi thơm đắng, ngai ngái, thoang thoảng rất lâu trong nắng chiều; nhưng khác với bông điên điển, loài hoa dại này chỉ thích mọc trên những vùng cao nguyên đất đỏ: Mộc Châu, Lâm Đồng, Pleiku, Ban Mê Thuột… 
 Tóc em cài dã quỳ
Vàng hực nắng Ban Mê.
Suối ru lời tha thiết,
Gió dìu bước em đi.

Đường về buôn xa lắm,
Chiều xuống trên đồi nương.
Sắc dã quỳ đằm thắm
Rực rỡ bóng hoàng hôn.

Con đường cài dã quỳ
Viền quanh bờ cỏ biếc,
Để lòng ai da diết
Thơm chút tình Ban Mê…

Dáng xưa cài dã quỳ,
Dài xôn xao kỷ niệm,
Dài hơn năm tháng cũ,
Với đất trời Ban Mê…
       (Nguyễn Thủy Nam: Dã quỳ)

Để kết thúc bài tiểu luận với chủ đề Thơ và muôn Hoa, chúng ta hãy cùng chia sẻ mối bâng khuâng, niềm bồi hồi, xúc cảm của Đỗ Quý Toàn khi nhà thơ tình cờ chợt thấy một cánh hoa báo xuân, nở lẻ loi bên đường, nơi vùng đất tạm dung xa xôi:

Buổi sáng đứng chờ chuyến xe lửa,
Bỗng đưa mắt nhin xuống bên đường:
Một nụ hoa vàng chói rực rỡ
Nhìn kỹ đúng là hoa Báo xuân.

Hoa báo xuân đầy ở làng mình,
Nơi đây chỉ có một bông lẻ,
Khép nép trong bụi cỏ rối ren,
Bao người qua lại chẳng ai ngó!
   (Gặp hoa Báo xuân trong thành phố)

Cánh hoa Báo xuân nở lặng lẽ, cô độc bên đường, lẫn trong ngàn cây nội cỏ, chẳng ai buồn ngó tới, phải chăng, cũng chính là thông điệp cho những mùa xuân hiu quạnh, nhạt phai và lặng lẽ nơi xứ người, xui khiến khách tha hương, ngẩn ngơ nhớ tiếc tới những mùa xuân cũ, với muôn hồng nghìn tía, trăm hoa đua nở, rộn ràng biết bao hương sắc. đón bước xuân sang... mà giờ đây, chỉ còn là sương khói mông lung, chỉ còn là dư âm kỷ niệm, lặng lẽ phôi pha trong vùng ký ức ngậm ngùi:
Xứ người tuyết đổ lạnh lùng
Đón xuân hiu quạnh nát lòng hoài hương.
        (Hà Huyền Chi: Xuân hiu quạnh)

           Nguyễn Thủy Nam, South Australia, Jan.02 2012

Không có nhận xét nào: